VỀ BẾN PHONG KIỀU THĂM TRƯƠNG KẾ

Đăng bởi Trần Tứ Liêm - Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012


image
Ai đã từng đọc bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế cũng rất dễ cảm nhận được cái không gian tịch mịch, thơ mộng, êm đềm  mà tiết tấu của bài thơ mang lại :

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên .
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
dạ bán,chung thanh đáo khách thuyền .

Tạm dịch

Trăng lặn, quạ kêu, sương kín trời,
Lửa chài, cây bến trước buồn ngơi.
Hàn San chùa cổ ngoài Cô phủ,
Khuya khoắt chuông vang vọng tới người.

Là một thi sĩ, tâm hồn nhạy cảm với nhân thế, đất trời, Trương Kế đã dùng những con chữ ghi lại  khoảnh khắc thực tại mà ông đang sống, ông đã đóng khung được không gian và bắt thời gian đứng lại trong bốn câu thơ, để mãi muôn sau, những ai đồng cảm với ông khi chạm đến bài thơ này thì vẫn thấy không gian, thời gian ấy vẫn như chưa từng thay đổi. Vẫn bến Phong Kiều mịt mờ sương phủ với hàng phong đứng ngó trăng tàn, vẫn  tiếng quạ kêu trong sớm tinh sương, vẫn thấp thoáng xa xa ánh đèn chài thuở nọ, cũng vẫn là người lữ khách trên con đò nhỏ, chợt tròng trành vì tiếng chuông khuya. Đó là cái tài của nhà thơ. Nhưng cho dù thi nhân viết hay đến mấy chăng nữa, thì điều tiên quyết vẫn là những gì nhà thơ mô tả phải phản ảnh thực tại một cách trung thực. Trong bài thơ này ta thấy cái không gian mà nhà thơ ghi lại hết sức chân thật.

Nằm trong thuyền nhìn ra, trên không, phía  xa kia con trăng đã từng thức với ông suốt đêm qua giờ đã đi ngủ, gần hơn trên trời mù mịt, còn dưới đất, bên kia bờ sông tiếng quạ kêu sương trong những hàng phong  cùng ánh đèn chài thấp thoáng dưới sông, xa ngoài là thành Cô Tô nơi có Hàn San danh tự. Trong cái khung cảnh êm đềm, tịch mịch giữa đêm khuya ấy, một tiếng chuông ngân như níu lại thời gian. Như vậy, những khoảng cách xa, gần, trên, dưới của không gian và thời gian lúc ấy đều được nhà thơ ghi lại một cách thơ mộng nhưng hết sức trung thực. Cũng chính vì vậy nó mới dễ dàng tạo ra sự rung cảm đối với người thưởng thức thơ ông.

Trong không gian, thời gian  ấy, đối diện với đêm khuya là một tâm hồn chở nặng những ưu tư, có lẽ năm tháng đã lên men làm say lòng thi sĩ, hay sự đời nghiệt ngã đã ray rứt ông suốt đêm qua. Không biết nữa! có người nói  ông buồn tại vì lửa chài, cây bến, có người  bảo bởi  tiếng quạ kêu sương, cho dù tại gì chăng nữa, thì thi nhân cũng đã thức suốt đêm rồi. Ông chẳng  nói rằng  đêm qua tôi thức suốt, ông chỉ nói trăng đã lặn rồi sao mọi thứ vẫn cứ rõ ràng trước mặt. Làm sao mà ngủ được khi đôi mắt còn nhận biết trăng tàn, vẫn còn thấy đầy trời mù mịt sương giăng, còn trước mặt lửa chài, cây bến, mắt đã thế mà tai lại còn nghe tiếng ồn ào của lũ quạ, ý ruổi rong tới tận chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô nơi vừa có tiếng chuông vọng giữa đêm trường, những cánh cửa đi vào tâm hồn ông chưa từng khép lại đêm qua, thì làm sao mà vùi vào giấc ngủ. Ông không nói nhưng lửa chài, cây bến đã nói. Ông không than nhưng tiếng chuông chùa đã than hộ giùm ông.  Ôi ! ông thật tài tình khi nhốt cả biết bao ưu tư vao trong một vài con chữ !

Tuy nhiên nói như thế vẫn còn chưa đủ, cái tài của ông còn thể hiện trong cách mà ông che dấu nỗi niềm. Đọc bài thơ ông, ai cũng nghĩ sao mà cảnh đêm êm đềm quá vậy, buồn như thế thì làm sao mà ngủ, nhất là với ông, một thi nhân, dường như  ai cũng xót xa vì sao mà tâm hồn ông nhạy cảm đến thế. Có thể đêm ấy lòng ông rối bời những ưu tư sầu muộn, nhưng không phải cái sầu muộn của lửa chài cây bến mà phải là một nỗi ưu tư  về một cái gì đó lớn lao hơn. Ta có thể khẳng định được điều đó, bởi vì ông đã bắt đầu bài thơ của mình bằng ba ngữ danh từ chứa đựng ba câu hoàn chỉnh trong một câu, ông đã dồn nén cảm xúc của ông ở mức tối đa, nhưng cõi lòng ông vẫn còn đó. Ba động từ mà ông dùng liên tiếp:  lạc = lặn (nguyệt lạc) đề = kêu (ô đề) mãn = phủ đầy (sương mãn thiên) đã lộ ra một tâm hồn sống động, có một cái gì đó hết sức mạnh mẽ, dữ dội đã xảy ra trong ông đêm qua, nó mạnh mẽ đến nỗi trời sắp sáng rồi mà chúng cứ như vẫn còn đứng trước mặt (đối) chẳng  muốn rời xa.

Ông đã chứng kiến thời gian tàn trước mặt, (nguyệt lạc) để cho đời lại bắt đầu(ô đề)trong cõi mông lung(sương mãn thiên).Vẫn còn ai đứng đó đợi trông,(giang phong) chờ một chút lửa nồng hy vọng(ngư hoả). Ông nghĩ gần rồi lại nghĩ xa, (Cô Tô thành ngoại Hàn San tự) nhưng thời gian bảo với ông rằng nó không bao giờ dừng lại.(dạ bán, chung thanh) ông cô đơn trong đêm trường khắc khoải, cuộc đời ông như  một chiếc thuyền nan (đáo khách thuyền). Ong bắt đầu bài thơ với sự suy tàn và kết thúc bằng tiếng chuông cảnh tỉnh, ông đã bắt đầu bài thơ bằng ba tiếng trống, thì ông lại kết thúc bằng chừng ấy tiếng chuông (ba động từ : bán, thanh, đáo). Tâm hồn ông như vó ngựa giữa đêm trường, sao lại bảo ông buồn. Không ! phải có một cái gì hơn thế, nhưng nó là gì thì chỉ ông biết mình ông.

Ông Trương Kế tài tình là thế! tinh tế là thế! Chỉ với 28 con chữ, ông đã đem hết không gian, thời gian cùng với nỗi  niềm nhốt vào trong đó, ông đã dùng cái tỉnh của đêm khuya để che dấu cái động của lòng mình, ông không dùng nghĩa thật của ngôn từ để phơi trải tim gan, mà ông chỉ dùng giai điệu của nó để biểu lộ hồn mình trên ấy. Hơn thế nữa, ông còn để lại đằng sau những ngôn từ một cánh cửa dành cho những ai đồng cảm với với ông, vào một đêm khuya nào đó tự tìm thấy ông trong thao thức của chính mình. Bài thơ ông viết đã hơn 1000 năm, mà bút  pháp vô cùng hiện đại. Thế mới biết vì sao bài thơ này là một kiệt tác của ông cũng như  thời đại mà ông đã sống./.




Chia sẽ vài viết này:

Mình thích viết Blog, tìm hiểu Tử Vi, Phong Thủy, Kiến Trúc, nghiên cứu Lịch vạn niên, đọc sách tùm lum, hay chia sẽ kiến thức.

BẢN ĐỒ BLOG



Quý bạn muốn nghe nhạc?
Hãy nhấn nút bật loa.
Cảnh Cực Lạc, tâm bình an.

Xem tử vi 2024

xem tử vi năm 2024

Xem nhiều nhất

Bài viết mới nhất

Bài viết theo thời gian

Quảng cáo
×

SƠ ĐỒ BLOG

Bài Nỗi Bật

Tin mới nhất - VnExpress RSS

Kho Hàng Giá Sỉ

Dịch Vụ Sửa Nhà

Thảo Mộc Thái Phong

Tổng số lượt xem trang