QUẢNG NINH - PHONG THỦY VÀ CHIẾN TRẬN TÂM LINH.
Đăng bởi Trần Tứ Liêm - Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013
QUẢNG NINH - PHONG THỦY VÀ CHIẾN TRẬN TÂM LINH.
( Bài viết của dienbatn tại trang thegioivohinh.net )
Thân chào các bạn . Vừa rồi dienbatn có dịp so găng với một số cao thủ Phong thủy Quốc tế tại Quảng ninh . Xin kể đối điều về những việc đó . Trong thực tế những trận chiến về Tâm linh kỳ bí thật khôn lường . Và vẫn như mọi khi , dienbatn coi đây là những chuyện phiếm , kể ra hòng " Mua vui cũng được một và trống canh "
"Thiếu gì những kẻ muốn xâm lăng,
Vũ khí hung tàn có thể ngăn.
Chỉ sợ Tâm Linh bày cuộc chiến,
Còn hơn là Ðịa chấn- Sơn băng.
Như Hải tinh trong Quốc bảo mình,
Ðời nào cũng có bậc anh minh.
Mỗi khi sông núi vang lời gọi,
Là có Rồng thiêng biến hữu hình ".
PHẦN 1 : KHÁI QUÁT VỀ TỈNH QUẢNG NINH .
BẢN ĐỒ TỈNH QUẢNG NINH :
Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía đông bắc Việt Nam.
Diện tích: 5.938 km2.
Dân số (2004): 1.029.461 người.
Tỉnh lỵ: Thành Phố Hạ Long.
Các huyện: Thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí, thị xã Móng Cái; các huyện: Bình Liêu, Quảng Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Hoành Bồ, Đông Triều, Cô Tô, Yên Hưng.
Dân tộc: Việt (Kinh), Tày, Dao, Sán Chỉ, Cao Lan, Sán Dìu, Hoa.
Tỉnh Quảng Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp Trung Quốc với 170 km (106 miles) đường biên giới. Phía nam giáp Hải Phòng. Phía đông giáp vịnh Bắc Bộ. Phía tây giáp tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Hải Dương. Bờ biển dài 250 km (156 miles).
Nhiệt độ trung bình cả năm 25° C. Quảng Ninh có rừng, có biển, nhiều hải sản quý. Đặc biệt trữ lượng than đá ở Quảng Ninh chiếm 90% tổng trữ lượng than của Việt Nam.
Quảng Ninh với vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên khác là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đến đây du khách có thể thăm các kỳ quan thiên tạo cũng như tìm hiểu các truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương.
ĐẶC ĐIỂM LỊCH SỬ :
Thời tiền sử và sơ sử
Quảng Ninh có người ở từ rất sớm. Rất có thể người ở từ thời đồ đá cũ. Tháng 11 năm 1976, một kỹ sư địa chất đã phát hiện ở Tấn Mài - nay là xã Quảng Ðức, huyện Quảng Hà những hòn đá có dáng công cụ thô sơ thời tiền sử. Tiếp đó nhiều nhà khảo cổ đã về đây tìm kiếm và thấy thêm nhiều hòn đá đáng nghiên cứu. Có ý kiến đoán định đây không những là một nơi cư trú cổ mà còn là một "xưởng chế tác" công cụ. Nhưng, ngược lại, còn nhiều ý kiến băn khoăn vì chưa tìm ra được tầng văn hoá khảo cổ, rất có thể những hòn đá có hình công cụ đó chỉ có những hòn đá do va đập ngẫu nhiên trong tự nhiên. Nếu di chỉ đồ đá cũ còn chưa có kết luận cuối cùng thì hàng loạt di chỉ đồ đá mới được liên tiếp phát hiện đã khẳng định trên vùng đảo và ven biển Quảng Ninh đã có người thời tiền sử sinh sống ít nhất là từ non một vạn năm trở lại đây.
Trước hết là ở hang Soi Nhụ thuộc huyện Vân Ðồn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy (năm 1967) trong khối vỏ ốc kết thành tầng dầy đã hoá đá những mảnh sọ, răng người, xương chi lẫn với những mảnh gốm thô, non, bàn mài, rìu đá có vai và một xương chi bò rừng. Xếp những mảnh xương người có thể thấy đấy là di cốt của 5 người: 2 nam, 3 nữ. Phân tích độ cổ vỏ của các công cụ và chất lượng đồ gốm cùng quá trình kết tầng hoá thạch lớp vỏ ốc, các nhà khảo cổ đều thống nhất đoán định rằng chủ nhân nơi này sống trong kỳ đồ đá mới, cách ngày nay từ 5 - 6 nghìn năm đến trên một vạn năm.
Ngoài di chỉ Soi Nhụ, các nhà khảo cổ còn xếp các di chỉ sau đây: Mái Ðá - Ðồng Ðăng, hang Hà Lùng - xã Sơn Dương; Mái Ðá hang Dơi - xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, hang Hà Giắt - xã Ðoàn Kết, huyện Vân Ðồn...cũng cùng thời kỳ đồ đá mới. Gần đây có ý kiến gọi tên nền văn hoá khảo cổ này là văn hoá Soi Nhụ, cũng có ý kiến gọi là "văn hoá Tiền Hạ Long".
Nối tiếp văn hoá Soi Nhụ là một nền văn hoá thời kỳ hậu đồ đá mới hàng loạt di chỉ được các nhà khảo cổ Pháp và Thuỵ Ðiển phát hiện từ những năm 1938, 1939. Sau ngày hoà bình lập lại, trên vùng biển vịnh Hạ Long và ven bờ, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều di chỉ tương tự . Gần đây trong quá trình quản lý vịnh Hạ Long, lại có thêm nhiều hang động còn di tích cư trú của người tiền sử. Có người lấy tên di chỉ Ngọc Vừng gọi tên nền văn hoá này. Có người lấy loại công cụ đặc trưng là những chiến rìu có vai có nấc gọi tên là "nền văn hoá rìu có vai có nấc". Sau đó tên nền văn hoá được mọi người thống nhất gọi là "Nền văn hoá Hạ Long".
Trong nền văn hoá này, các nhà khảo cổ lại chia ra làm 2 giai đoạn sớm và muộn: Giai đoạn sớm cách nay chừng 5-6 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: thoi giếng, thôn Mam, Gò Mừng (xã Vạn Ninh), Gò Mả Tổ, Gò Bảo Quế (xã Hải Tiến), Gò Miếu Cả, Gò Quất Ðông Nam (xã Hải Ðông), đều ở huyện Hải Ninh... Giai đoạn muộn cách nay chừng 3 - 4 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: Ngọc Vừng (huyện Vân Ðồn), Xích Thổ (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ), Ðồng Mang (phường Giếng Ðáy), Giáp Khẩu (phường Hà Lầm), Cái Lân (phường Bãi Cháy), Cọc 8 (phường Hồng Hà)... thuộc thành phố Hạ Long.
Ðến thời đại kim khí, trước hết là đồ đồng, trên đất Quảng Ninh lại tìm ra nhiều chứng tích. Trên núi Ðầu Rằm thuộc xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng vừa phát hiện một di chỉ lớn (1998). ở đây ngoài công cụ đồ đá tinh xảo và những đồ gốm nung bền chắc còn tìm thấy nhiều công cụ binh khí bằng đồng, trong đó có những múi tên đồng, mũi dao đồng. Trên đồi chè hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, năm 1965 phát hiện một trống đồng Ðông Sơn trong văn hoá thời đại Hùng Vương. Trên cánh đồng Cầu Nam thuộc xã Phương Nam, thị xa Uông Bí phát hiện 7 ngôi mộ thuyền (mỗi quan tài là một khúc gỗ lớn khoét rỗng như một chiếc thuyền độc mộc). Trong mộ có nhiều hiện vật bằng đồng, thạp đồng, rìu đồng cùng vải thô, chiếu cói và duy nhất một chiếc đục bằng sắt.
Như vậy trên vùng đất Quảng Ninh, thời tiền sử và sơ sử đã nối tiếp có người ở. Ngoại trừ di chỉ đồ đá cũ Tấn Mài còn chưa được nhất trí khẳng định thì ít nhất từ một vạn năm lại đây, với văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Hạ Long và văn hoá thời đại kim khí (hoặc thời đại Hùng Vương), đã chứng minh một cách chắc chắn là con người đã cư trú ở vùng Ðông Bắc này liên tục và không ngừng phát triển. Từ đó có thể khẳng định đây là một trong những vùng đất cổ của dân tộc, sau nghề săn bắn và hái lượm, tổ tiên ta đã xuống biển đánh bắt hải sản, rồi nối tiếp với nền văn minh lúa nước, khai thác vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ về nghề trông lúa nước và chăn nuôi gia súc.
Thời phong kiến
Sau thời An Dương Vương và nước âu Lạc, Việt Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ liên tiếp 10 thế kỷ. Chúng chia Việt Nam thành các quận, huyện, vùng. Quảng Ninh ngày nay trong 1000 năm mang các tên châu quận: An Ðịnh, châu Hoàng, châu Lục, Ninh Hải, Ngọc Sơn, Triều Dương... Ðây là vùng cửa ngõ vào Việt Nam bằng đường biển lại là vùng giàu sản vật quý. Vùng này cũng là cửa ngõ thông thương, nơi trao đổi buôn bán chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vùng ven biển nhất là ở Vạn Ninh và cửa Vân Hải (Minh Châu, Quan Lạn ngày nay), hàng hoá trao đổi sầm uất. Nhân dân phải nai lưng cực nhọc không ngừng đấu tranh chống ách đô hộ, chống đồng hoá, vẫn giữ tiếng Việt và các phong tục của cội nguồn con Lạc cháu Hồng. Vào những năm 30 của thế kỷ I dưới ách cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Ðịnh, một người Ðông Triều là Chu Sĩ đã tụ tập trai tráng trong làng nổi dậy. Các ngõ làng tích cực ủng hộ, giúp vũ khí lương thực. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, tiêu diệt được nhiều tên giặc. Tô Ðịnh cho quân đàn áp tàn bạo. Chu Sĩ chiến đấu quyết liệt nhưng không chống nổi phải nhảy xuống sông tự vẫn. Sau này vua Trần Dụ Tông phong ông là Chu Sĩ Ðại Vương.
Noi gương Chu Sĩ, năm 40 một phụ nữ làng Vẻn (sau có tên là An Biên) là Lê Chân con ông Lê Ðạo và bà mẹ họ Trần, không chịu ách thống trị Ðông Hán, bản thân bị địch bắt làm tì thiếp, đã tập hợp trai gái trong vùng đứng lên khởi nghĩa. Nghĩa quân ngày càng đông. Lê Chân về lập căn cứ bên sông Cửa Cấm và đã có nhiều trận đánh thắng thuỷ binh địch. Lúc này Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng phối hợp chiến đấu. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thắng lợi, Lê Chân về Mê Linh được Hai Bà Trưng giao chức "Chưởng quan binh quyền nội bộ", năm 43, Mã Viện đem đại quân đánh sang. Lê Chân về vùng núi Kim Bảng (Hà Nam) lập căn cứ kháng chiến. Lê Chân hy sinh tại đây. Sau chiến tranh, số binh lính còn lại về căn cứ bên sông Cấm khai hoang lập ấp và đặt tên làng là "An Biên Trang". Ðó là tên đầu tiên của vùng đất sau thành cảng Hải Phòng. (Nay ở Hải Phòng còn đền Nghè thờ Lê Chân và vườn hoa mang tên An Biên). Năm 1993, đền thờ Lê Chân đã được xây dựng lại tại thôn An Biên, xã Thuỷ An, huyện Ðông Triều. Hàng năm có lễ hội theo âm lịch là ngày 7/2 tưởng nhớ ngày sinh, 15/8 hội mừng thắng trận và ngày 25/12 tưởng niệm ngày mất của bà.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn có bà Vĩnh Huy, quê vùng núi Yên Tử. Vĩnh Huy mồ côi cả cha lẫn mẹ, trôi dạt về làng Thiết áng sinh sống. Theo tiếng gọi của Hai Bà Trưng, Vĩnh Huy tập hợp được hơn một nghìn quân cho tập võ nghệ rồi bà mặc giả trai dẫn đoàn quân về với Hai Bà Trưng. Bà chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt (nay còn đền thờ ở thôn Cổ Chân, xã Vân Hà, huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội). Ngoài những nữ tướng nói trên, vùng đất Quảng Ninh còn nhiều tấm gương oanh liệt chống giặc ngoại xâm như chị em Nguyệt Thai, Nguyệt Ðộ chiến đấu dũng cảm và hy sinh ở vùng Yên Tử vào ngày 8-5, ba anh em họ Trương lập công xuất sắc và hy sinh ở huyện Ðông Triều sau được thờ ở chùa Bắc Mã, dân gian gọi là Ðức Cả, Ðức Hai, Ðức Ban. Tương truyền đó là ba anh em sinh ba con ông Trương Long, mẹ là Phùng Thị Loan quê gốc ở hương Lưu Xá, phủ Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh. Trong các thế kỷ sau, nhân dân vùng Ðông Bắc cũng như ở cả nước đều không ngừng đấu tranh chống ách thống trị của giặc.
Thời phong kiến độc lập - tự chủ (thế kỷ X-thế kỷ XIX)
Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ toàn thắng, chính quyền đô hộ nhà Ðường bị đập tan. Ðất nước độc lập, tự chủ. Sau thời họ Khúc, đến thời Ngô Quyền lập công giữ nước. Sau thời 12 sứ quân đến thời nhà Ðinh rồi Lê Hoàn lại lập công vang dội ở vùng này. Tiếp đến là các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn vùng Ðông Bắc này đều ghi dấu những biến động, những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc.
Có thể tóm lược các sự kiện chính sau đây:
Ba lần đại thắng quân xâm lược trên sông Bạch Ðằng (Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, Lê Ðại Hành thắng quân Tống, Trần Hưng Ðạo thắng quân Nguyên Mông). Thêm một lần dưới triều Lê, Lý Thường Kiệt tiến quân qua vùng Ðông Bắc này để đại phá quân Tống ngay sào huyệt của chúng.
Mở cửa thương Cảng Vân Ðồn. Cảng ngoại thương Vạn Ninh - Vân Ðồn thịnh vượng nhiều thế kỷ suốt các triều đại Lý - Trần. Thương cảng Vạn Ninh - Vân Ðồn, cửa ngõ buôn bán của quốc gia Ðại Việt. Theo sử sách, cửa ngõ buôn bán của vùng Ðông Bắc này đã hưng thịnh sôi động từ lâu, các thế kỷ thứ II, thứ III, hàng hoá từ Việt Nam đã đưa sang trao đổi ở cảng Hợp Phố (ngọc trai Việt Nam chuyển sang Hợp Phố đã thành thành ngữ "châu về Hợp Phố"). Di chỉ mộ Hán ở Ðá Bục (xã Minh Châu, huyện Vân Ðồn) cho thấy các mặt hàng phong phú qua đây. Ðến thời Ðường, cuối thế kỷ VIII, việc buôn bán tấp nập ở Minh Hải - Việt Nam ta đã vượt cả vùng cảng Quảng Châu. Ðến thời Lý - Trần, Việt Nam thịnh vượng, việc buôn bán cảng mở mang. Nhà Lý chính thức mở thương cảng Vân Ðồn để tập trung ngoại thương vào một cửa, thu thuế xuất nhập gọn đồng thời cũng để cảnh giác hạn chế người nước ngoài vào sâu trong nội địa, vừa khó giữ an ninh vừa làm cho tình trạng mua bán giá cả thất thường. Di tích thương cảng Vân Ðồn và cảng tiền tiêu là Vạn Ninh (nay thuộc Móng Cái) còn có những dãy tường thành của bến cũ và nhà ở bên bờ sông Mang, những bến Cống Cái, Cái Làng, Cống Ðông, Cống Tây mà ngày nay rất dễ tìm thấy các mảnh gốm cổ, và cả những đồng tiền cổ.
Như vậy là không chỉ thời đại Lý - Trần mà trước đó và sau đó, vùng đất, vùng biển Ðông Bắc này đã là một cửa mở giao lưu thương mại, góp phần làm cho đất nước phát triển kinh tế. Tuy nhiên ở một số triều đại, khi phải lo giữ nước đã có chính sách "ức thương", nhất là ngoại thương, làm cho kinh tế thương nghiệp của ta không mạnh lên được.
Ra đời và hưng thịnh Thiền phái Trúc Lâm của đạo Phật trên vùng núi Yên Tử. Yên Tử - Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời Trần. Ðạo Phật được truyền vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc, đến thế kỷ VIII-IX thì phát triển với hai dòng chính là Nam Phương và Quan Bích. Nước Ðại Cồ Việt ra đời, các nhà sư có vị thế lớn trong xã hội. Ðến thời Lý "nhân dân quá nửa làm sư, trong nước chỗ nào cũng có chùa". Ðến thời Trần, vua quan, quý tộc nhiều người xuất gia hầu Phật. Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã bỏ kinh thành trốn lên núi Yên Tử để tu hành, nhưng Trần Thủ Ðộ và nhà sư Phù Vân Quốc Sư khuyên giải nên lại quay về Thăng Long. Ðến cháu ông - vua Trần Nhân Tông, người vừa chủ trì lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng quân Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho con vào năm 1293, theo đường cũ của ông nội, lên núi Yên Tử tu hành.
Trần Nhân Tông kế thừa tư tưởng tu hành của Trần Thái Tông và của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ông cũng thừa hưởng giáo lý thiền thời Lý "lấy tâm truyền tâm, không dùng văn tự", người tu hành giác ngộ được bản thân thì có thể thành Phật. Từ sự kế thừa đó và từ thực tiến gắn bó với nhân dân trong những năm tháng quyết liệt đánh giặc, ông đã phát triển thành một hệ tư tưởng Phật học đầy sức sống. Ông viết sách, giảng kinh, chủ trương tu hành trước hết là ở lòng mình, "xuất gia" hay "tại gia" đều được vì "Tâm từ Phật, Phật tức tâm" và bậc nhân chủ phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình. Như vậy là "đạo" gắn với "đời", việc tu tâm là để thêm trách nhiệm với dân, với nước...Nối tiếp con đường tu hành và tư tưởng của Trần Nhân Tông là sư Pháp Loa và sư Huyền Quang. Ba vị tu hành này lập nên thiền phái Trúc Tâm và ngay từ đương thời đã được tôn là "Trúc Lâm Tam Tổ". Từ khi nhà vua lên Yên Tử tu hành, ngôi chùa trên Yên tử được xây dựng ít nhất từ thời lý được mở mang, tôn tạo. Ðây là nơi tương truyền đạo sĩ Yên Kỳ Sinh (từ thời Tiền Hán hoặc thời Tần) đến luyện thuốc trường sinh bất tử. (Tên núi Yên Tử có nghĩa là núi Ông Yên). Núi Yên Tử có đỉnh cao 1.068 m, đứng đây nhìn bao quát đến cửa Bạch Ðằng, Núi có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, có rừng trúc, rừng thông, suối chảy, mây bay. Hàng chục ngôi chùa (chùa Quỳnh Lâm, chùa Long Ðộng, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Ðồng...) và những âm, những lăng, những tháp...được xây dựng từ thời trần đã làm cho Yên Tử cùng những chùa lớn ở Ðông Triều như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngoạ Vân, Ngọc Thanh, Bắc Mã..trở thành nơi lui tới thường xuyên của các vị sư cả nước.
Chùa Quỳnh Lâm có hàng trăm gian với những tượng Di Lặc đồ sộ và khánh đá, chuông đồng, lại là trung tâm in ấn kinh sách, nơi có thị xã Bích Ðộng quy tụ các thi nhân trí thức trong nước, nơi mở hội Thiên Phật đông hàng vạn người...đã cùng với Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước. Ðông Triều lại là quê gốc nhà Trần, trần Liễu về đây lập ấp An Sinh và trên đất An Sinh lần lượt quy tụ lăng mộ tám vua Trần. Trần Nhân Tông cũng về am Ngoạ Vân trên đất An Sinh để qua đời. Cũng trên đất Ðông Triều thời Trần, văn hoá cực thịch. Trong một kỳ thi mà hai thí sinh Ðông Triều, một đỗ Thám hoa, một đỗ Bảng Nhãn (Trần Ðình Nhâm và Lê Hiến Phủ). Ngày nay, trên núi Yên Tử (nay thuộc thị xa Uông Bí) và trên đất Ðông Triều còn lại sâu đậm các di tích thời lý - Trần đã được liệt hạng. Ðó thật sự là chứng tích huy hoàng của lịch sử Phật giáo ở Việt Nam và lịch sử tư tưởng - lịch sử triết học của dân tộc ta. Ngoài các sự kiện kể trên, đáng chú ý là ở vùng Quảng Ninh có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân khi các tập đoàn phong kiến đi ngược lại quyền lợi của nhân dân.
Giai đoạn 1883-1955
Từ năm 1883-1945
Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam được tính từ tiếng súng đại bác tấn công vào Ðà Nẵng, năm 1858. Sau đó chúng lần lượt chiếm các tỉnh Nam Kỳ rồi hai lần đánh thành Hà Nội. Ngày 12-3-1883, đích thân Henriviere, viên chỉ huy cuộc đánh ra Bắc Kỳ lần thứ 2 dẫn 2 tàu chiến vào sâu trong vịnh Hạ Long, đậu trên vùng Cửa Lục rồi đổ quân chiếm đồi cao Bãi Cháy. Vùng đất Quảng Ninh bị thực dân chiếm đóng từ đây. Trước đó Pháp đã chú ý đặc biệt đến than đá ở vùng này. Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng (hiệp ước Harmand 25-8-1883) và hiệp ước với công nhận quyền bảo hộ (hiệp ước Patermotre 6-6-1884). Pháp đã lần lượt tước đoạt kho tài nguyên này. Ngày 26-8-1888, tại Huế, đại diện triều đình phải ký bán vùng mỏ Hòn Gai cho Pháp trong 100 năm. Năm 1888, Toàn quyền Ðông Dương ký quyết định nhường để thưởng công cho Jean Dupuis (một lái buôn có công do thám mở đường xâm lược) toàn bộ đảo Cái Bầu. Năm 1890, triều đình Huế nhượng bán vùng mỏ Ðông Triều (năm 1885, triều đình Huế ký công ước chấp nhận toàn quyền nhượng địa cho tư bản Pháp được Toàn quyền Pháp ký quyết định.
Cũng từ năm 1888, các công ty than của Pháp lần lượt ra đời. Lớn nhất là công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ - S.F.C.T (Societe Fracaricdeo Charbonnases du Tonken) độc quyền vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả rộng lớn. Chính quyền thực dân Pháp chủ mỏ tuyển hàng vạn phu từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh-Nghệ-Tĩnh. Trên đất mỏ, Pháp đưa các thiết bị khai thác, vận chuyển sang, song việc đào than, xúc than, chuyển than ra đầu đường đều bằng lao động thủ công nặng nhọc. Khổ cực nhất là dưới hầm lò, người phu mỏ phải đội thúng than trên đầu, Bọn thực dân quản lý theo lối trung cổ, dùng roi vọt đánh đập và luôn cúp phạt. Người phu mỏ lao động quần quật từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày với đồng lương chỉ đủ sống cầm hơi. Tai nạn đổ tầng, sập lò, và bệnh tật chết chóc thường xuyên. ở một số mỏ chúng còn trả lương bằng loại tiền riêng để trói chặt cuộc sống phu mỏ. Chưa kể nhà tù và các hình thức đầu độc như rượu, thuốc phiện, mê tín, dị đoan... Với hệ thống mật thám, cảnh sát riêng, vùng mỏ với những bất công, tàn bạo thực sự trở thành một địa ngục trần gian. Trong 67 năm, bọn thực dân chủ mỏ đã thu lãi lớn từ hơn 30 triệu tấn than chở về nước và bán cho các nước khác.
Từ năm 1928, tổ chức cách mạng Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - Tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản đã cử nhiều hội viên về vùng mỏ vừa tuyên truyền vận động cách mạng vừa để tự vô sản hoá. Phong trào đấu tranh ở đây từ tự phát lẻ tẻ đến có tổ chức, tự giác. Liên tiếp các cuộc bãi công, đình công đòi quyền lợi nổ ra. Ngày 17-6-1929, Ðông Dương Cộng sản ra đời ở Bắc Kỳ. Các chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội - trong đó có hai chi bộ được thành lập sớm nhất ở Cẩm Phả, Cửa Ông cũng nhanh chóng chuyển thành chi bộ Ðông Dương Cộng sản đảng. Một hoạt động có ảnh hưởng lớn do các chi bộ lãnh đạo là tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga.
Ngày 7-11-1929, cờ đỏ búa liềm tung bay trên pooc-tích số 1 cảng Cửa Ông, giữa phố Cẩm Phả, Cửa Ông, Mạo Khê, Uông Bí...
Ngày 3-2-1930, Ðảng cộng sản Việt Nam được thành lập. Cuối tháng 2-1930, chi bộ Ðảng cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập ở mỏ Mạo Khê. Tờ báo Than được xuất bản (Hồi còn là Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông cũng ra tờ báo than). Số đảng viên không ngừng tăng. Nhiều chi bộ được thành lập thêm và tháng 9 năm 1930, đã hình thành 3 đảng uỷ: Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Vàng Danh. Tháng 10-1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo hợp nhất 3 đảng uỷ thành một Ðảng bộ đặc khu Ðông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả và đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm bí thư Ðặc khu uỷ. Ði đôi với sự phát triển Ðảng là sự ra đời các tổ chức quần chúng trước hết là công hội đỏ. Các cuộc đấu tranh lại nổ ra với tổ chức chặt chẽ hơn, quy mô lớn hơn, tiêu biểu là ngày quốc tế Lao động đầu tiên ở nước ta. Ngày 1-5-1930 cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ làm nức lòng dân, bọn chủ mỏ thì khiếp sợ.
Từ đầu năm 1931, phong trào bị khủng bố dữ dội, hàng loạt đảng viên và quần chúng bị bắt và xử tù, nhiều người bị tra tấn đến chết, phong trào tạm lắng xuống và lại bùng lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mặt trận bình dân những năm 1936-1939. Giữa năm 1936, nhiều đảng viên được thả từ các nhà tù đã trở lại vùng mỏ chỉ đạo và một cuộc tổng đình công nổ ra từ ngày 13-11-1936 từ Cẩm Phả đã nhanh chóng lan sang Hòn Gai rồi ảnh hưởng đến tất cả các hầm mỏ nhà máy trong tỉnh. Hơn 3 vạn thợ mỏ đã tham gia cuộc tổng bãi công với khẩu hiệu đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt và một số yêu cầu về đời sống. Sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bọn chủ mỏ chịu khuất phục, chịu chấp nhận thực hiện các yêu sách, công nhân toàn thắng. ở một số mỏ khác như Cái Bầu, Vàng Danh, Mạo Khê chưa chính thức nổ ra bãi công nhưng bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Tháng 9-1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Tháng 9-1940 phát xít Nhật xâm lược Ðông Dương, chiến tranh lan rộng, sản xuất than suy giảm. Dưới hai tầng áp bức Pháp và Nhật, phong trào cách mạng bị đàn áp.
Từ cuối năm 1940, một số chi bộ Ðảng ở Quảng Yên, ở Uông Bí được thành lập lại, năm 1941 bị khủng bố, nhưng lúc này Trung ương Ðảng sau tổn thất từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được củng cố. Ðường lối cách mạng đã được hoạch định. Mặt trận Việt Minh được thành lập ở Quảng Yên, Uông Bí, Ðông Triều, Móng Cái, Hòn Gai. Từ giữa năm 1945, trên đất Ðông Triều, thanh niên công nhân Mỏ Mạo Khê và từ các xã được tập hợp, vũ khí được mua sắm và tự tạo, đội du kích quân ra đời. ở Móng Cái, quân Tưởng tràn vào lấy danh nghĩa quân Ðồng Minh đánh Nhật kéo theo bọn Việt Quốc, Việt Cách phản động, huyện bộ Việt Minh Móng Cái đã tổ chức biểu tình gây thanh thế, sau đó lập đội du kích quân đưa ra đảo Vĩnh Thực luyện tập.
Ngày 8-6-1945, du kích quân Ðông Triều tuyên bố thành lập chiến khu Ðông Triều Trần Hưng Ðạo và trong một ngày ra quân đã hạ bốn đồn binh Nhật ở Chí Linh, Ðông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch. Tiếp đó ngày 2-7-1945 tiến đánh hai đồn ở Uông Bí. Ngày 20-7-1945 chớp thời cơ chiếm tỉnh lỵ ở Quảng Yên. ở miền Ðông, đội du kích Móng Cái về Ba Chẽ lập căn cứ đã vô tình rơi vào tay bọn Việt Cách. Ðồng chí Ðào Lộc, người đảng viên đầu tiên của địa phương, người lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Hải Ninh đã kịp can thiệp, khôn khéo đưa đội du kích thoát hiểm về nhập với du kích quân Ðông Triều và tham gia cướp chính quyền ở Quảng Yên
Từ 1946 - 1955
Như vậy là với việc thành lập Chiến khu Trần Hưng đạo ngày 8-6-1945 và việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ Quảng Yên, Quảng Ninh đã là địa phương khởi nghĩa thắng lợi và giành chính quyền cấp tỉnh sớm nhất trong vùng. Sau đó du kích quân Ðông Triều đẫ chuyển thành giải phóng quân tiến về giải phóng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hòn Gai, Cẩm Phả và tiến ra giải phóng Tiên Yên, Ðầm Hà, Móng Cái. Trên đất Quảng Ninh chỉ còn quần đảo Cô Tô, cảng Vạn Hoa và thị trấn Hà Cối là chưa được giải phóng thì quân đội Pháp đã từ chỗ tạm lánh ở vùng ven biển Quảng Ðông trở lại chiếm đóng Từ Cô Tô, Vạn Hoa, quân Pháp tiến vào Tiên Yên rồi tiến vào Hòn Gai, Cửa Ông, Cẩm Phả ngay từ giữa năm 1946. Chính quyền non trẻ Việt Nam vừa phải đối phó với quân đội Tưởng lại vừa phải đối phó với bọn Việt Quốc, Việt Cách nên kiên trì hoà hoãn với quân Pháp, theo tinh thần các hiệp định mà Hồ Chủ Tịch ký với Pháp. Nhưng quân Pháp không ngừng lấn tới, tháng 7/1946, chúng gây ra vụ thảm sát ở Lán Bè, Hòn Gai rồi sau đó bắt cả cán bộ chính quyền. Ðến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì quân Pháp đã chiếm và làm chủ thị xã Hòn Gai.
Hòn Gai nhanh chóng tổ chức lực lượng chiến đấu, đại đội Hồ Chí Minh gồm toàn công nhân mỏ được thành lập. Ngày 24-12-1946, đánh úp cuộc họp mặt các sĩ quan Pháp ở Hà Lầm, lập chiến công mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, với Quảng Ninh là 9 năm có lẻ. Trong 9 năm này, chiến trường Quảng Ninh vô cùng ác liệt. ở miền Ðông, Pháp lập ra cái gọi là Xứ Nùng tự trị và hành lang Mán gây rất nhiều khó khăn cho Việt Minh. Việt Nam phải 2 lần "Ðông tiến" để gây dựng lại cơ sở. Phần lớn đất đai trong tỉnh dày đặc đồn bốt địch nhưng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đánh hàng ngàn trận và liên tiếp phá tề trừ gian.
Chiến dịch Biên Giới và giải phóng Bình Liêu năm 1950 và chiến dịch Ðường 18 năm 1951 đã chọc thủng các hành lang an toàn của địch. Lực lượng vũ trang cách mạng càng đánh càng mạnh và Quảng Yên, Hải Ninh cùng đặc khu Hòn Gai đã góp công sức to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc. Sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vùng trung tâm Quảng Ninh là nơi tập kết quân đội Pháp từ 100 đến 300 ngày. Ngày 24 tháng 4 năm 1955, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Quảng Ninh từ bến phà Bãi Cháy, Quảng Ninh hoàn toàn giải phóng.
Từ ngày hoà bình lập lại đến nay
Trước khi rút khỏi vùng mỏ, Pháp chủ trương di chuyển máy móc của mỏ, nhưng công nhân đã kiên quyết đấu tranh và sau đó nhanh chóng tổ chức lại sản xuất. Trong những năm đầu, nạn đói còn khá nghiêm trọng, thổ phỉ còn lén lút cướp của giết người, bọn biệt kích Mỹ Nguỵ, Mỹ Tưởng xâm nhập, quân và dân Việt Nam đã ra sức giữ vững an ninh, quốc phòng, tiến hành cải cách ruộng đất và cải cách dân chủ, kinh tế, xã hội ngày càng ổn định. Từ 1-1-1964, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh (thực hiện Nghị quyết của Quốc hội từ cuối năm 1963), hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh.
Cuộc sống hoà bình chưa trọn 10 năm thì ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung uý Anrareo.
Trải qua hai thời tổng thống Mỹ, Quảng Ninh có hai thời kỳ bị đánh phá ác liệt. Thị xã Hòn Gai không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, Cửa Ông, Hà Tu gần như bị huỷ diệt. Nhưng nhân dân Quảng Ninh vừa sản xuất vừa chiến đấu đã cùng các lực lượng vũ trang đánh trả 7.417 lần chiếc máy bay vào giội bom xả đạn, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại của Mỹ.
Trong lúc kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, ở tuyến đảo ngoài còn bắn trả cả tàu chiến Mỹ, Quảng Ninh vẫn không ngừng góp công, góp của, góp người cho miền Nam - tiền tuyến lớn. Hàng nghìn thanh niên Quảng Ninh lên đường trong đó có đợt lập thành "tiểu đoàn than" chi viện cho miền Nam và hàng nghìn người đã trở thành liệt sĩ, thương binh.
Sau cuộc chiến tranh biên giới và sau những năm khủng hoảng kinh tế, Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 đã mở ra một thời kỳ đổi mới. Trong mười năm đổi mới, kinh tế, xã hội trên địa bàn Quảng Ninh cũng như cả nước đã có những đổi thay lớn. Trong tư duy đổi mới, cởi mở, dân chủ được phát huy, các tiềm năng được khơi dậy, sức năng động sáng tạo được thể hiện đã mang lại những thành quả rõ rệt.
Ðến nay, chính trị ổn định, quốc phòng được củng cố, an ninh được giữ vững, kinh tế phát triển toàn diện và đa dạng, đời sống văn hoá được nâng cao, dân trí được coi trọng, cái ăn, cái mặc, chỗ ở, sự đi lại, sức khoẻ, tuổi thọ và chữa bệnh đều hơn trước. Thu nhập bình quân đầu người ở mức khá so với các tỉnh trong toàn quốc.
Với tiềm năng phát triển còn rất lớn, Quảng Ninh được xác định là mũi nhọn, một chân kiềng trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc - tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
( Tài liệu do dienbatn sưu tầm )
dienbatn ở Đài Liệt sĩ Hạ long
Vị trí Rốn của Long mạch bãi cháy .
Bãi cháy trong cơn bão số 3 vừa qua .
LONG MẠCH CỦA QUẢNG NINH .
"Theo phong thuỷ thường sử dụng các dòng sông tự nhiên để phân chia sơn mạch, dòng sông lớn phân chia sơn mạch lớn, dòng nhỏ phân chia nhỏ.
Nếu chúng ta dùng hai dòng sông lớn Trường giang, và Mê công để phân ranh giới Sơn mạch thì toàn bộ Sơn mạch Việt nam, Lào, phần phía nam sông Hoàng Hà có tổ sơn từ Tây tạng.
Như chúng ta biết phần nóc nhà thế giớI gồm có 4 dãy núi có hình dáng giống như một cái dạ dày.
-Dãy thứ nhất là dãy Nam sơn được ngăn với dãy Côn luân bởi sông Hoàng Hà.
-Dãy thứ hai là Côn luân, được hai con sông lớn nhất của Trung quốc bao bọc, sông Hoàng hà và Trường giang. Là tổ sơn của vùng đồng bằng rộng lớn nhất của TQ.
-Dãy thứ 3 Ngăn bởi hai sông, Trường Giang và Mê công. Sơn mạch tổ của Việt nam, Lào và phần phía nam sông trường giang Trung quốc
-Dãy thứ 4 Chính là Bán đảo Trung Ấn ngăn cách bởi hai con sông Mê công và Xaluen.
Dãy thứ 3,4 đều từ xuất phát từ Tây tạng
-Dãy thứ 5 (E vơ rét), được ngăn bởi hai con sông Xaluen và Bramaput.
-Dãy thứ 6,Chính là đãy Hy ma lây a. Tổ của Bán đảo Ấn độ, được ngăn bởi 2 con sông Bramaput và sông Ấn
Như vậy nóc nhà thế giớI là tổ tông của nhiều sơn mạch chạy vào nhiều nước khác nhau, dãy 1 và bốn xuất hiện hai nền văn minh cổ rất lớn của nhân dân sinh sống ở lưu vực các con sông lớn , Hằng ,Hoàng hà. " ( NGUYÊN VŨ ) .
Theo các sách vở từ xưa thì Quảng ninh nằm lọt vào trong vòng cung Đông triều . Cánh cung Đông triều nơi toạ lạc của chùa Yên tử, nổi tiếng với dòng thiền Trúc lâm của Việt nam, có hình dáng giống như nan quạt là Đại cán long của một vùng rộng lớn đồng bằng Bắc bộ : Hải phòng, Hải dương, Hưng Yên, Thái bình.
Tuy nhiên , theo thiển ý của người viết ( Xem hình trên ) , ta thấy rằng , Quảng ninh nằm vào phần đuôi của Đại Long mạch xuất phát từ phía Tây Bắc - dãy núi Thiên Sơn gần biên giới Trung-Nga ở vùng Tân Cương. ( Lấy theo ý của Tubinh - gia gia ) , nhưng khi vào tới Trung quốc , Việt Nam , nó bắt đầu từ Phía Tây và mang hành Kim , sắc trắng ( 4, 9 ) . Chính vì vậy mà cái đuôi của nó được gọi là BẠCH LONG VĨ ( Đuôi con Rồng trắng ) . Các mỏ than tại vùng Đông triều - Quảng ninh , người ta coi đó là phần chứa phân của Rồng ( Long mạch ) . Riêng vịnh Hạ long , một Di sản Thiên nhiên của Thế giới , thực chất được sinh ra từ những dư khí của Long mạch này khi ra tới biển và trồi lên thành vô vàn hòn đảo lớn nhỏ . Như vậy , nhìn toàn thể vùng đất của Quảng ninh là một vùng không ổn định , nằm trên đuôi của Đại long mạch ( Đuôi Rồng ) . Người viết không có bản đồ Địa chất của khu vực này , nhưng tin chắc rằng toàn bộ khu vực này đang nằm trên những phay đất rất lớn gối lên nhau và đang có hiện tượng di chuyển tương đối giữa các phay đất .
HÌNH ẢNH CÁC MỎ THAN ( CHÍNH LÀ PHÂN CỦA RỒNG ) .
Trước khi vào trọng tâm bài viết , người viết muốn giới thiệu với các bạn một số phần giới thiệu về các Địa danh của Quảng ninh của Hương Soái trong Trái tim Việt nam online [Chỉ thành viên mới có thể nhìn thấy links. Bạn hãy nhấn vào đây để đăng ký...] mà theo người viết thấy rất hay .
Khu di tích Yên Tử
Khu di tích thắng cảnh Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Ðỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích danh thắng (số 15VH/QÐ ngày 13/3/1974). Nằm trong cánh cung trùng điệp của khu đông bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Ðồng ở độ cao 1.068m so với mặt ước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào danh sơn đất Việt. Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sỹ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây. Nhưng Yên Tử thực sự trở thành trung tâm Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam đó là phái thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Ðồng Kiên Cương (1284-1330) vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách "Thạch thất ngôn ngữ" và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như viện Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Ðông Triều... ở trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Ðạo Tái (1254-1334) - vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm. Sang đến thời Lê, Nguyễn, Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo. Lễ hội chính của Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng riêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng xuân ấm áp.
Vịnh Hạ Long huyền thoại và khoa học
Vịnh Hạ Long bao gồm hơn 3.000 hòn đảo, lớn nhỏ khác nhau, nằm quần tụ trên một vịnh biển tạo nên một danh lam thắng cảnh hiếm có trên thế giới. Theo truyền thuyết, vịnh được hình thành do rồng từ trên trời hạ xuống nơi đây mà thời đó còn là vùng đất liền. Rồng bị mắc cạn, lấy đuôi đập mạnh để mong thoát thân ra biển. Đuôi rồng đập tới đâu thì đất nơi đó lún xuống và tạo thành các thung lũng bao lấy những mảnh đất còn lại mà ngày nay là những đảo đá vôi nằm nổi trên vịnh Hạ Long.
Đó là huyền thoại, truyền thuyết dân gian. Còn các nhà khoa học lại giải thích về nguồn gốc hình thành vịnh Hạ Long trên cơ sở những tư liệu khoa học sau: Trong nhiều hang động ngoài vịnh, ngành khảo cổ học đã tìm thấy nhiều xương trâu, bò, lợn rừng và nhiều vỏ nhuyễn thể nước ngọt như trai, sò, ốc, cá nước ngọt. Ví dụ như ở đảo đá sinh đôi, cách Hòn Gai 4km về phía Đông, người ta tìm thấy trong hang động đá này nhiều vỏ loài nhuyễn thể nước ngọt, nhiều mảnh xương động vật bị cháy và một rìu đá của người tiền sử.
Căn cứ những tư liệu khảo cổ nêu trên, các nhà khoa học cho hay, cách nay khoảng 60 đến 70 vạn năm, vùng vịnh Hạ Long còn là đất liền. Về sau, do hiện tượng sụt lún, nước biển tràn vào nên mới hình thành vịnh. Tất nhiên khi còn là đất liền, vùng vịnh phủ đầy rừng nhiệt đới ẩm ướt, có nhiều thú rừng, trong đó có trâu rừng, bò rừng, lợn rừng và nhiều loài thú khác như hươu, nai, sơn dương, khỉ...
Các nhà khoa học còn đưa ra nhiều dẫn chứng khác để chứng minh rằng vùng vịnh Hạ Long là một vùng sụt lún và hiện nay còn đang tiếp tục bị sụt lún: Thứ nhất do bị sụt lún nên đáy biển vùng vịnh rất nông và thường không sâu quá 2m. Bằng chứng thứ hai là các cửa sông trong vùng từ Móng Cái tới Hải Phòng đều có cửa sông rộng (do cửa sông bị lún chìm) và đều có dạng vịnh cửa sông. Riêng cửa sông Bạch Đằng có dạng vịnh cửa sông rõ nhất. Cửa sông ở đây có bến Phà Rừng rộng mênh mông tới vài cây số rộng tựa như một vịnh biển. Tuy nhiên, nếu ta đi ngược dòng sông Bạch Đằng cách cửa sông khoảng 20km ta thấy lòng sông hẹp lại chỉ còn rộng khoảng 0,2km. Các bãi sú vẹt ở cửa sông phát triển trên một chiều dài 35km và ở đó người ta còn tìm thấy vết tích các xóm làng xưa. Có thể dễ dàng nhận thấy ở Hạ Long, các bồn nước tròn trịa được bao bọc xung quanh bởi các núi đá vôi mà trước kia khi chưa bị chìm thì đó là các thung lũng đá vôi, một địa hình rất phổ biến ở các vùng đá vôi ở nước ta ngày nay. Điển hình cho các thung lũng đá vôi bị chìm này là lũng Xiếc ở khoảng giữa hang Đầu Gỗ hay hang Sửng Sốt. Thuyền chui qua hang núi tối như bưng, bỗng nhiên lại thấy ánh sáng, rồi tới một vũng nước tròn, xung quanh là núi.
Tại hang Luồn đối diện với bến tàu thị xã Hòn Gai 1.000m về phía Đông Nam có một quần đảo khép kín được thông ra vịnh bằng hang Luồn. Vì vậy từ ngoài vịnh khi qua hang Luồn ta sẽ gặp một hồ nước tròn trịa, diện tích khoảng 1 km2 bao bọc bởi các đảo đá vôi. Vì nước trong hồ bị tù hãm, chỉ mở ra ở hang Luồn nên nước ở đây không mặn mà chỉ là nước lợ.
Các hang động ở vịnh Hạ Long cũng là một bằng chứng nói lên vùng này trước kia là đất liền vì rằng hang động đá vôi chỉ được hình thành do tác động xâm thực của những con sông ngầm chảy trong các vùng núi đá vôi. Ngày nay các hang động ở ngoài vịnh Hạ Long, có những hang bị chìm ngập hoàn toàn, có hang bị chìm lưng chừng và tạo nên các hang luồn, có những hang lại nằm cao hẳn trên mặt nước biển như hang Đầu Gỗ phải trèo 90 bậc mới tới nơi hoặc hang Sửng Sốt cũng phải leo tới 100 bậc. Những hang kể trên nằm ở độ cao khác nhau, chứng tỏ vùng núi đá vôi vịnh Hạ Long đã trải qua nhiều đợt vận động thăng trầm phức tạp. Ngoài ra các đảo đá vôi ngoài vịnh Hạ Long còn chịu ảnh hưởng của biển tiến mà ngày nay dấu vết còn để lại là các ngấn nước ăn sâu vào vách núi ở độ cao từ 2 đến 5m. Với địa hình như vậy tạo cho Hạ Lọng một vẻ đẹp rất thơ mộng và quyến rũ lòng người - một di sản có một không hai của thế giới.
Hành hương về Yên Tử là đến với non xanh, nước biếc kỳ thú, hữu tình và chiêm bái chốn cửa Phật thanh cao
Cao vượt giữa vòng cung núi non điệp trùng vùng Đông Bắc, ngọn Yên Tử có đỉnh chìm trong mây trắng và trải mình dưới ngút ngàn mầu xanh cây lá. Thuở xa xưa, đây đã được coi là phúc địa và lưu truyền huyền thoại về một cõi bồng lai với bàn cờ, am thuốc tiên và pho tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh hóa thạch. Nhưng dấu mốc để Yên Tử khắc ghi trong lịch sử và thành sự kiện văn hóa của đất nước là năm 1299, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từng trực tiếp cầm binh đánh tan giặc xâm lược, sau khi sắp đặt lại triều chính, ông xuất giá đến miền danh thắng này hành đạo. Bằng học vấn uyên thâm và kinh nghiệm từng trải, Trần Nhân Tông lĩnh hội thành tựu của các vị cao tăng đi trước, tiếp nhận những yếu tố tích cực của Phật giáo là từ bi, bác ái, khoan dung, bình đẳng, hướng thiện và loại bỏ mặt yếm thế, yên phận, bí hiểm, siêu thoát, sáng lập nên phái Thiền Trúc Lâm mang bản sắc riêng Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của dân tộc lúc bấy giờ là nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu trong cộng đồng, nguyện chung ý chí bảo vệ quyền tự chủ và độc lập của Tổ quốc, dựa trên vị thế tôn giáo đang thịnh hành, Trần Nhân Tông xúc tiến quá trình bản địa hóa của đạo Phật từ nước ngoài truyền vào ở cả hai phương diện lý thuyết là thực tiễn. "Nhập thế" và "tu tại tâm" là hạt nhân cốt lõi của tư tưởng chính thống phái Thiền Trúc Lâm. Theo đó, đạo không tách biệt đời. Đạo phải thể nghiệm ngay trong cuộc sống. Mầm giác ngộ tức Phật tính vốn có sẵn trong mỗi người, chỉ cần biết kơi dậy và tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Lấy pháp hiệu là Điếu Ngự, Trần Nhân Tông cùng hai nhà sư Pháp Loa, Huyền Quang và các môn đệ dịch thuật, soạn thảo sách kinh, tập hợp và quy tụ tín đồ giảng giải, truyền bá giáo lý tại Yên Tử. Mảnh đất thiêng có tầm nhìn bao quát suốt dải biên cương rộng lớn trở thành trung tâm thống nhất Phật giáo Việt Nam, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực hoạt động xã hội không những đương thời mà trong nhiều giai đoạn kế tiếp.
Các chùa chủ yếu ở Yên Tử là Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu và bia Phật phân bố từ thấp lên cao tương ứng với trần gian, lưng trời, cung trời và ngoài vũ trụ. Bên cạnh là các chùa Lân, suối Tắm, Bí Thượng, Cầm Thực, Long Động, Thiền Định, Một Mái, Bảo Sái và chùa Đồng cùng hệ thống tháp. Các nghệ nhân tài hoa đã sáng tạo những công trình kiến trúc phối cảnh hài hòa, dung hợp với không gian thiên nhiên hùng vũ và thơ mộng. Trong rừng già hoang sơ, ầm ào thác đổ và vi vút gió reo. Buổi sớm, sương mờ bao phủ, mưa bụi nhẹ bay. Những đàn bướm lượn dập dìu và vang tiếng chim hót, vượn kêu. Hoàng hôn buông nắng nhạt, dát vàng những mái chùa và ngôi tháp cổ kính ẩn hiện thấp thoáng, xám lớp rêu phong chứa đựng bao sự tích kỳ lạ. Và đêm xuống, âm thanh chuông mõ cầu kinh truyền nối, lan tỏa... Qua 700 năm, dù phần lớn đã đổ nát, vẫn có thể hình dung diện mạo Yên Tử thời hưng thịnh của phái Thiền Trúc Lâm trong quá khứ. Đường uốn lượn quanh co, rợp bóng hàng xích tùng trồi rẽ gân guốc. Những viên gạch vuông đỏ sẫm, nổi hình văn hoa cúc. Ngói mũi hài mềm mại lợp quanh bờ tường và vòm cong dẫn vào Tháp Tổ sáu tầng chót vót xếp trên bệ đài sen 102 cánh. Chùa Hoa Yên có tấm bia trang trí họa tiết rồng uốn khúc trong khuôn lá đề và bức phù điêu diễn tả ba ni cô niệm Phật. Tượng Trần Nhân Tông khoác cà sa hở nửa ngực vai phải, ngồi thiền trong tư thế "liên hoa tọa". Bia Phật, khắc chữ Thiên Trúc Tự mặt phía Bắc và chữ Phật phía Nam, dưới có dòng Đông Tự Hồng Nha....
Yên Tử là cội nguồn của Phật giáo Việt Nam và là một điểm du lịch hấp dẫn. Số khách thăm ngày càng tăng và năm 1998 đạt tới 100 nghìn lượt người.
di tích lịch sử và danh thắng quốc gia Yên Tử được khoanh vùng bảo vệ 2025 ha rừng đặc dụng và 145 ha mặt hồ nằm trong địa bàn hai xã Phương Đông và Thượng Yên Cộng.
Hành hương về Yên Tử là đến với non xanh, nước biếc kỳ thú, hữu tình và chiêm bái chốn cửa Phật thanh cao
Sự tích núi Bài thơ
Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi, đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, đấy là cốt + 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo nhọn hoắt làm cho núi có một vẻ cổ kính, huyền bí. Từ nhiều góc độ người ta nhìn thấy núi có lúc dáng như hổ phục, lúc có dáng như sư tử vờn mồi, lúc có dáng như con rồng sắp cất cánh. Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.
Năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông - cháu nội của Lê Lợi - đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ.
Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá tạm dịch như sau:
Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sữa việc văn.
Bài thơ này được khắc trên một vách đá khá phẳng, cách mặt đất chừng 2,5 m, gồm 56 chữ Hán, khắc liền một mạch, không phân câu như hiện nay ta chép lại. Trong 56 chữ trên có 21 chữ đã mờ hẳn, không thể đọc nổi, những chữ còn lại rất mờ. Trước phần thơ có phần lạc khoản (đề tựa) gồm 49 chữ, cũng bị phân hóa gần như hoàn toàn. May mắn, bài thơ trên có chép trong thư tịch cổ, nên đó chính là chỗ dựa của các nhà nghiên cứu.
261 năm sau, vào năm 1729 chúa An đô vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thốt ngôn bát cú, lấy theo vận "yên" của bài trước, dùng lại 4 chữ "thiên" "quyền" "yêu" niên" trong bài của vua Lê.
Bản dịch thơ như sau:
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẽ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy.
(Bản dịch của Hào Minh)
Bài thơ được khắc theo lối chữ hành, trên một vách đá nghiêng xuống đất, nếu tránh được hủy hoại của nước mưa, đến nay còn rõ nguyên, rất dễ đọc. Đến đầu thế kỷ này nhiều tao nhân, mặc khách đi du ngoạn vùng Hạ Long, gặp bài thơ này lại cho khắc 7 bài thơ nữa, có bài chữ Hán, có bài chữ Quốc Ngữ trên những vách đá lân cận. Tổng số bây giờ có 9 bài thơ còn lưu truyền trên vách đá. Khu vực này trước đây gọi là phố Lò Vôi (vì có người nung vôi bán). May mà chưa ai phá những bài thơ để nung vôi!
Do có nhiều thơ trên vách núi, có lẽ đầu thế kỷ này dân chúng mới đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Ngày nay, phố Lò Vôi (cũ) được mang tên mới là phố Bài Thơ.
Ca dao đầu thế kỷ này có câu:
Hồng Gai có núi Bài Thơ
Có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên nằm ở phía đông núi Bài Thơ, một quay ra hướng đông, giáp với phố Bến Tàu cũ nay đổi thành phố Long Tiên. Chùa được khởi công xây cất vào năm1939 và hoàn thành năm 1942. Tuy được xây dựng vào giữa thế kỷ này, nhưng kiểu cách, kiến trúc đều theo phong cách kiến trúc đầu Nguyễn. Ngoài có tam quan, qua một sân rộng là bái đường, trên nóc có tượng ghép gốm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên là hai cung tả hữu. Ở chính điện trên tam quan có ba chữ nổi Long Thọ Tiên, nhân dân rút gọn, gọi nôm na là chùa Long Tiên. Gọi là chùa nhưng lại thờ cả thánh. Ở chính cung thờ Đức Phật Thích Ca Mâu ni, Phật Bà Quan Âm và các chư Phật. Hữu cung thờ Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo, Tả cung thờ Vân Hương Thánh Mẫu.
Trong chùa Long Tiên có rất nhiều câu đối, đại tự được điêu khắc rất tinh vi, thể hiện trình độ điêu khắc khá cao. Trong các đồ thờ của chùa có Bộ Cửu Long nổi tiếng miêu tả chín con rồng chầu Phật - là một công trình khắc gỗ công phu.
Hội chùa Long Tiên kéo dài hết tháng giêng, hai âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương. Tín đồ, phật tử Hải Phòng khi đi lễ hội ở đền Cửa Ông, thế nào cũng rẽ vào chùa Long Tiên "xin Đức Thánh trần" một quả cầu tài, cầu lộc.
Phiá tây núi Bài Thơ còn có đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn - một vị danh tướng đời Trần. Tương truyền ông được đắc cử canh giữ biên ải vùng Đông Bắc, trấn ở vùng Hồng Gai, đã lập nhiều công to trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Núi Bài Thơ không chỉ là di tích lịch sử-văn hoá-tôn giáo, mà còn gắn liền với những sự kiện cách mạng những thập kỷ qua. Ngày nay, đứng từ phiá tây thành phố Hạ Long nhìn ra hướng đông, người ta thấy một mỏm đá nhô ra ở tầm cao khoảng 50 m có hình thù như một con sư tử. Dân gian gọi đó là mỏm Mỏ Quạ. Vào đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1930, người đảng viên cộng sản trẻ tuổi Đào Văn Tuất (người gốc Hải Phòng) được đặc khu ủy Hồng Gai giao phó đã treo lá cờ búa liềm lên mỏm Mỏ Quạ để kỷ niệm ngày Lao Động quốc tế. Chuyện kể lại rằng anh Đào Văn Tuất, khi ấy là công nhân mỏ Hồng Gai, đã khéo léo giấu lá cờ trong bụng, cờ có bọc giấy bản, anh trèo lên mỏm đá nhô ra đường, nơi dễ trông nhất. Anh rút lui an toàn sau khi làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau gió bay, giấy bản tung ra, một lá cờ đỏ búa liềm phất phới bay như vẫy chào thợ thuyền vùng lên đấu tranh chống áp bức. Bà con khu mỏ xúm xít ra xem, ngưỡng mộ lá cờ. Còn bọn cảnh sát thì tức lồng lộn, không làm sao hạ được cờ xuống, chúng sợ có mìn nổ chậm cài ở gần cờ nên không dám xông vào ngay. Thợ mỏ Hồng Gai được một phen hả hê.
Bây giờ phía dưới mỏm Mỏ Quạ có biển di tích đề rõ sự kiện trên. Thời kháng chiến chống Mỹ, ở phiá trên mỏm núi này là nơi đặt còi báo động, một thời gióng giả báo hiệu chiến đấu cho người dân vùng mỏ. Đi lên nữa là di tích của trạm ra-đa thời chống Mỹ. Phiá dưới núi Bài Thơ, có nhiều hang động khá lớn. Rộng rãi nhất là hang số 6. Nơi đây thời chiến tranh từng là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, chủ yếu là nơi tập kết củ lực lượng tự vệ Hồng Gai. Sau mỗi đợt bọn Mỹ đánh phá, người ta đưa người bị thương về đây cấp cứu, người khỏe cũng trú ở đây để hôm sau lại bám trụ sản xuất. Núi Bài Thơ trở thành một cứ điểm quan trọng thời đánh Mỹ. Máy bay Mỹ mấy lần định nhào xuống bỏ bom vào núi, nhưng do địa thế quá hiểm trở, núi Bài Thơ như ngọn thác nhô lên giữa vùng trời Đông Bắc vẫn "Đứng đó hiên ngang", không hề suy suyển.
Núi Bài Thơ gắn bó với lịch sử, với đời sống nhân dân vùng Đông Bắc, trở thành một biểu tượng hào hùng của đất mỏ Quảng Ninh giàu đẹp và kiên cường. Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin nước ta ra quyết định xếp hạng núi Bài Thơ là di tích lịch sử- văn hóa của đất nước.
Khu du lịch Hoàng gia - Hạ Long
"Núi nhô trên biển như chuỗi ngọc
Cờ xí điệp trùng đứng chênh vênh
Cá muối như bùn, dân càng lợi
Lúa màu ít ỏi, thuế giảm khinh".
Đó là khúc vịnh của Vua Lê Thánh Tông khi nói về phong thổ xứ An Bang. An Bang xưa tức địa phận Quảng Ninh bây giờ là vùng đất có nhiều núi và biển, rất ít ruộng đất, dân tình chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và thương mại. Có lẽ vì thế dân mình ít "Famer" hơn khi tiếp cận cái mới mẻ, dễ thích ứng và thân thiện.
Thời gian đắp đổi, Quảng Ninh hôm nay có Vịnh Hạ Long hai lần được thế giới tôn vinh là di sản của nhân loại. Bên cạnh đó, bàn tay con người cũng tô điểm thêm những nét vẽ làm cho bức tranh Hạ Long ngày thêm hoàn mỹ. Nằm ngay bên bờ Vịnh, một khuôn viên có diện tích trên 10 hecta, trải dài 1.500 mét theo bờ biển với nhiều hạng mục công trình, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách. Đây là một sự đầu tư đúng đắn, giúp cho du khách đến với Hạ Long không chỉ được thưởng thức những gì do thiên nhiên ban tặng, mà còn được ở trong một không gian hiện đại, tiện nghi, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét hài hoà mang tính truyền thống do bàn tay con người tạo dựng.
Thăm nhà triển lãm xương rồng, ở đây quy tụ hơn 108 loài xương rồng có nguồn gốc từ nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nam Mỹ... trong diện tích 350 mét vuông, du khách được tìm hiểu các loài: xương rồng sừng hươu, vợt gai.. đặc biệt có loài "trứng rồng" rất quý và hiếm, loài cây này có tuổi thọ chừng 14 năm.
Do biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phát huy những nét đặc sắc trong bản sắc văn hoá dân tộc nên khu du lịch Hoàng Gia - Hạ Long đã trở thành điểm đến trong mỗi lịch trình của du khách. Hoa phong lan là một loài hoa được rất nhiều các nghệ nhân chơi hoa quan tâm đến bởi nó không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu xa khác, là một trong 4 loài cây thể hiện ý chí người quân tử "tùng, trúc, mai, lan". Đến Hoàng Gia, du khách được tìm hiểu hơn 500 loài lan quý với nhiều màu sắc khác nhau như: lam tím, hoàng thảo, cẩm tú... Việt Nam với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang một nét riêng trong phong tục cũng như trong nếp ở, nếp ăn. Tại đây, mô hình nhà sàn và các trang phục cùng với những công cụ lao động của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Mông, Tày, Dao, Mường... được dựng lên để các du khách không có điều kiện đi xa được tìm hiểu thêm về sự phong phú và nét độc đáo của chúng. Ngay tại công viên Hoàng Gia, bất cứ lúc nào, du khách cũng được xem gà chọi. Thường chỉ trong những dịp hội làng, người ta mới tổ chức trò chơi dân gian này, đây là nét văn hoá mang đậm màu sắc cổ truyền của Việt Nam. Có thể nói, đó là sự sáng tạo của ban quản lý ở đây, họ đã biết phát huy những tinh hoa cổ truyền của dân tộc VIệt, không cầu kỳ mà vẫn hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Nhìn một cách tổng quát, khu Hoàng Gia được bài trí rất hợp lý. Người kỹ sư kiến trúc đã biết kết hợp hài hoà giữa các lớp lang, chính phụ, to nhỏ với nhau để tạo nên một khuôn viên hiện đại mà vẫn đậm chất á Đông. Tại Bảo tàng cổ vật trưng bày những bộ sưu tập, di chỉ tượng trưng cho nền văn hoá dân tộc của một số quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Nhưng đặc biệt và chủ yếu là bộ sưu tập những cổ vật của văn hoá Việt Nam. Đất nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc dường như đều có một bề dày truyền thống văn hoá và phong tục, tập quán riêng. Kho tàng văn hoá truyền thống của Việt Nam chính là sự thể hiện tính đa dạng, muôn hình, muôn vẻ của các dân tộc cùng sống trên dải đất hình tia chớp. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu cả tiến trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc qua các hiện vật như: Tượng thiếu nữ Chàm trong điệu múa Apsara, bình gốm các triều đại Lý, Trần, Lê... Cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng trong chống giặc ngoại xâm và trong việc lập làng, lập ấp. Cũng chính những bàn tay đánh giặc và cày cuốc đó lại khéo léo tạo nên những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ và cũng rất đặc trưng của dân tộc. Điểm khác biệt cơ bản và cũng là đặc trưng rất riêng của Bảo tàng cổ vật Hoàng gia là nó không giống bất kỳ một bảo tàng nào. ở đây, có những mảng màu của Bảo tàng lịch sử, có lúc lại mang màu sắc của một Viện Bảo tàng cổ vật Cham pa. Bên cạnh những khu mang tính chất tham quan nghiên cứu, công viên Hoàng gia còn có những công trình được xây dựng bằng trang thiết bị hiện đại, thử thách lòng can đảm của du khách trong một thế giới huyền bí: Nhà ma. Nghệ thuật múa rối thì có ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng múa rối nước có lẽ chỉ riêng có ở Việt Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ thời Lý . Chứng tích về sự ra đời của rối nước còn lưu lại ở nhiều nơi, ví dụ như nhà Thuỷ Đình (hồ Long Trì - Chùa Thầy), văn bia còn ghi lại:
"giữa dòng nước lung linh, một chú rùa vàng nổi lên đội ba hòn núi..." và ngay tại Hoàng Gia, bạn cũng được thưởng thức loại hình nghệ thuật này với các vở như: Chú Tễu câu cá, múa tứ linh... Nếu đến Hạ Long, bạn nhớ ghé vào một quầy lưu niệm để mang về một kỷ vật cho chuyến đi. Quầy hàng lưu niệm rất phong phú những mặt hàng, nào là công cụ lao động của cư dân vùng biển, hay bức tranh về cảnh sắc Hạ Long được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu bằng gỗ hoặc sơn mài.
Trong tiếng đàn trầm lặng của bản hợp ca tam thập lục mời bạn ghé vô nhà hàng của Hoàng gia. Biển bao năm rồi vẫn đẹp, không chỉ thế nó còn cung cấp cho ta nhiều loài hải sản như: Cá song, tôm hùm, cua, bể... để cho các bạn dù có là thực khách ở phương nào thì trong một không gian hoàn toàn Việt Nam đều cảm thấy ấm cúng và thưởng thức hương vị biển. Nhằm ngày càng hoàn thiện cho tour du lịch, Công ty quốc tế Hoàng gia đang đầu tư xây dựng khu biệt thự đạt tiêu chuẩn 5 sao tại khe Đôi - Bãi Cháy. Hiện tại có 14 phòng với trang thiết bị hiện đại đã hoàn thành đưa vào phục vụ du khách. Và trong một tương lai không xa nữa, một khách sạn 200 phòng đạt tiêu chuẩn cao sẽ hoàn thiện trên diện tích 20.000 mét vuông.
Nhà mỹ thuật trưng bày hơn 200 bức tranh bằng nhiều chất liệu như: sơn dầu, sơn mài... thể hiện nhiều đề tài của các danh hoạ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Văn Hải... Trong đó nổi bật tập trung vào đề tài Vịnh Hạ Long. Qua đây, du khách sẽ hiểu hơn về giá trị khu danh thắng và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn của toàn tỉnh.
Hạ Long hôm nay nhiều nét mới đổi thay, thật hạnh ngộ cho những ai đến với nơi rồng đậu. Bên cạnh một Vịnh biển đã hai lần được thế giới công nhận là di sản, bằng sự hiện đại của máy móc và kỹ thuật tân kỳ, các nhà lãnh đạo của Hoàng gia đã đưa loại hình mô tô nước và xuồng cao tốc vào phục vụ du khách. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm vịnh Hạ Long đã nói
"Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, biển của ta rất tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó". Trước biển khơi hào phóng, ai chẳng muốn có một lần được thoả chí, bạn dù ở nơi đâu, khi đến thăm Hoàng gia cũng chẳng thể bỏ lỡ dịp được phi chiếc mô tô trên muôn trùng sóng nước Hạ Long.
Một nhà văn đã viết: Hạ Long không chỉ là bản phác thảo của thế giới, một bản phác thảo đã hoàn thành. ở đây còn là cái công trường, cái xưởng điêu khắc và hội họa vĩ đại, nơi tạo hoá còn tiếp tục các cuộc thử nghiệm bất tận của mình... và "trước biển Hạ Long tất cả các ngôn ngữ đều bất lực". Biển muôn đời vẫn bao dung và hào phóng, hôm nay biển lại mở lòng đón du khách muôn nơi. Sau những giờ làm việc căng thẳng, trước biển hồn ta được sảng khoái, tĩnh tại trong thế giới đầy biến động.
Hạ Long ngày và đêm, một chút nắng đầu hè, một thoáng hoàng hôn trên biển đảo Tuần Châu, nơi danh nhân văn hoá thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm những người dân làng chài đánh cá.
Xin nhắc lại lời thơ của người xưa thay cho lời kết:
"Núi nhô trên biển như chuỗi ngọc
Cờ xí điệp trùng đứng chênh vênh".
Bức tranh tình ấy đang được thiên nhiên và bàn tay con người ngày ngày tô điểm thêm tròn vẹn.
ĐẢO TUẦN CHÂU
Đảo Tuần Châu cách trung tâm Hạ Long khoảng 15 km với khung cảnh đẹp và thơ mộng. Toàn bộ hòn đảo này đã được đầu tư thành một trung tâm du lịch, nghỉ ngơi và giải trí.
Đường đi từ thành phố Hạ Long ra đảo Tuần Châu rất đẹp, một bên là biển đầy tiếng sóng vỗ, một bên là đồi núi nhấp nhô và những ngôi nhà mọc lưa thưa ven đường. Trước khi đến đảo, xe sẽ đưa bạn băng qua vùng biển trên con đường mới được xây dựng nối bờ và đảo.
Đảo Tuần Châu là nơi duy nhất ở miền Bắc hiện có khu biểu diễn cá heo. Những chú cá heo thông minh cùng với sự tài khéo của huấn luyện viên sẽ cho bạn những cảm giác vừa ngỡ ngàng, vừa sửng sốt và đầy thích thú với cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong lúc chờ xem biểu diễn cá heo, bạn sẽ được nghe ca nhạc dân tộc do đội văn nghệ đảo Tuần Châu biểu diễn. Các loại nhạc cụ dân tộc, các bài hát dân ca Bắc bộ, và có hôm còn có tiết mục xiếc ảo thuật. Bạn sẽ được xem 1 giờ biểu diễn cá heo, sau đó có thể thưởng thức các món ăn ở nhà hàng Đồng quê Việt Nam.
Nhà hàng Đồng quê Việt Nam có các món ăn ngon của biển, của đảo Tuần Châu và đảo Quan Lạn với các đặc sản sá sùng, tu hài và đỉa biển. Các món ăn dân tộc truyền thống có giá từ 50.000 - 100.000 đồng/suất. Tại nhà hàng Đồng quê Việt Nam, du khách có thể đi thăm suối, hoa và cây của biển đảo.
ở đảo, bạn có thể đăng ký trò chơi dưới nước, chơi bóng trên biển và đi xuồng máy mặc áo dù bay trên không trung. Xuồng máy đưa người bạn bay lên độ cao 7 - 15m. Giá vé 60.000 đồng/giờ. Trên đảo cũng có bãi biển rất đẹp để bạn có thể đắm mình vào làn nước trong xanh trong những ngày hè nắng nóng.
Tham gia tour này, bạn cũng được thăm vịnh Hạ Long với hang Thiên Cung, Đầu Gỗ; thăm các hòn đảo xinh đẹp như Đỉnh Hương, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi.
Cầu Bãi Cháy
Vị trí : Bắc qua hai đỉnh núi qua eo Cửa Lục - Hạ Long - Quảng Ninh
Dự kiến hoàn thành sau 40 tháng thi công
Ngày khởi công : 19/05/2003
Giá trị : 950 tỷ đồng
Kiểu : cầu dây văng (Cable-Stayed Bridge)
Dài : 903 mét
- Có thể cho tàu 4 vạn tấn (40.000 tấn) đi qua
- Có hệ thống thang máy và các điểm nghỉ chân du lịch trên các mố cầu, hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí lộng lẫy.
- Cầu Bãi Cháy là cầu có độ dài các nhịp cầu phá kỷ lục thế giới
435 mét /nhịp (cầu Sunshine Skyway của Mỹ 366 mét , Sơn Đông Trung quốc 230 mét, Tokachi Great của Nhật 350)
Khởi công xây dựng cầu Bãi Cháy: Toàn bộ dự án bao gồm xây dựng mới khoảng 5 km đường dẫn với 4 làn xe, rộng 25m, cấp thiết kế 80. Trên đường dẫn sẽ có 8 cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép Dự ứng lực vĩnh cửu với tổng chiều dài 1.200m và một cầu chính dài 903m. Điểm đầu của dự án tại ga Cái Lân và kết thúc tại Ngã ba Kênh Liêm- thành phố Hạ Long.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp. Gói thầu BC1 xây dựng cầu và đường dẫn phía Bãi Cháy, gói thầu BC3 xây dựng cầu và đường dẫn phía Hòn Gai, gói thầu BC2 xây dựng cầu chính bao gồm cầu Bãi Cháy và cầu dẫn số 5. Cầu Bãi Cháy có chiều dài 903m, chiều rộng 25,3m, tĩnh không thông thuyền H=50m, B=300m. Kết cấu phần dưới: Mố trụ, tháp cầp bằng bê tông cốt thép; các trụ P2, P3, P4 được đặt trên móng giếng chìm hơi ép, các mố trụ còn lại đặt trên nền móng cọc Shin-sho có đường kính 3m. Cầu dẫn số 5 có chiều dài 99m, chiều rộng toàn cầu từ 25,7 đến 30,3m. Các mố trụ bê tông cốt thép đặt trên nền cọc Shin-sho có đường kính 2m. Tĩnh không thông thuyền của cầu được thiết kế dành cho tầu ra vào cảng Cái Lân với công suất tối đa 40.000 tấn. Cả cầu chính và cầu dẫn đều là loại cầu dây văng bê tông cốt thép Dự ứng lực 1 mặt phẳng dây, loại cầu này lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, đạt kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính đối với loại kết cấu này.
Kinh phí đầu tư cho cầu Bãi Cháy khoảng 1.046 tỷ VNĐ, thời gian thi công 40 tháng. Dự tính, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2006. Để đảm bảo cho tiến độ thi công công trình, rút kinh nghiệm từ các công trình trước, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, do vậy kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành, công trình sẽ không còn vướng mắc nào về mặt bằng
Đảo Tuần Châu
Phía tây nam thành phố Hạ Long có một hòn đảo đất lẫn phiến thạch rất xinh đẹp, bốn mùa cây cối xanh tốt - đó là đảo Tuần Châu. Đảo có diện tích 220 ha. Phía đông và nam đảo có hai bãi tắm cát trắng và mịn, bốn mùa nước trong xanh hàng năm thu hút rất nhiều du khách tới thăm.
Năm 1962, Hồ Chủ Tịch thăm vịnh Hạ Long và nghỉ tại Tuần Châu. Tuần Châu hiện nay đã trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở thành phố Hạ Long.
Đảo Tuần Châu hay còn được gọi là núi Tuần Châu. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: "Núi Tuần Châu cách huyện Hoành Bồ một dặm về phía đông, trước mặt là sông". Tuần Châu nằm ở vị trí quan trọng giữa cửa ngõ con đường thuỷ Thăng Long - Bạch Đằng - Vân Đồn nên trước kia đảo được đặt làm một "châu" để canh gác, sở Tuần ty cũng đặt ở đây. Dân số xóm chài khoảng 3.000 người.
Đảo Tuần Châu còn có nhiều điểm di chỉ khảo cổ học thuộc nền Văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đồ đá mới, cách ngày nay 3000 - 5000 năm với rất nhiều công cụ bằng đá đã tìm thấy ở đây như bàn mài, bàn kè, rìu đá, mảnh tước, đồ gốm...
Đảo Tuần Châu nối với đất liền bằng con đường trải bê tông dài hơn 2 km. Trên đảo được đầu tư xây dựng thành khu du lịch hiện đại với nhiều hạng mục: câu lạc bộ biểu diễn cá heo, hải cẩu và sư tử biển; câu lạc bộ xiếc thú; sân golf; trung tâm văn hoá - thể thao; bãi tắm; hồ sinh vật cảnh; chợ quê; khu biệt thự đồi 1, đồi 2 với trên 300 phòng; khu nhà nghỉ bình dân; khu biệt thự ven biển (5 biệt thự với 50 phòng); khu ẩm thực có tới 5 nhà hàng và một nhà tròn được thiết kế theo mô típ đình chùa, cùng lúc có thể phục vụ trên 1000 khách với các món ăn Âu, Á...
Tại Tuần Châu ngôi nhà bát giác nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nghỉ khi ra thăm Hạ Long nay trở thành khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo tồn nguyên vẹn. Tuần Châu đang khẩn trương hoàn tất để đưa các hạng mục công trình vào khai thác phục vụ cho Năm du lịch Hạ Long 2003.
Đảo du lịch mới Tuần Châu:
Năm nay, khách du lịch đến Hạ Long không chỉ biết có một Bãi Cháy đổi mới, mà còn có đảo Tuần Châu - một quần thể du lịch đẳng cấp quốc tế hoàn toàn mới và độc đáo.
Phía đông đảo Tuần Châu đã hình thành một dãy biệt thự 4-5 sao thay cho khung cảnh ngổn ngang gạch đá 1 năm trước đây. Đảo sầm uất dần lên với phố ẩm thực; khu vực biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử biển với một sân khấu hiện đại 3.000 chỗ ngồi. Sân khấu này được thiết kế dạng mái vòm không gian lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mỗi cụm mái như hai cánh buồm hướng về vịnh Hạ Long. Bên sườn tây của đảo là nơi những chú voi, hổ, ngựa, trăn, rắn... trổ tài với khu xiếc thú 500 chỗ ngồi. Ngoài ra, các điểm nghỉ mát vui chơi như suối nhân tạo, thác nhạc, thảo cầm viên, hồ sinh vật biển, bể bơi, sân quần vợt và một cù lao bãi đá đang dần hình thành.
Tuần Châu bắt đầu được bạn bè quốc tế biết đến như một điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn của Việt Nam. Sắp tới, Hàn Quốc sẽ xây dựng tại đây 1.000 biệt thự, 1 đường ngầm kính đi bằng thang cuốn, kéo dài từ đây đến động Thiên Cung, vịnh Hạ Long. Hệ thống cáp treo từ cuối đảo đến bến phà Gia Luận (Cát Bà, Hải Phòng) cũng nằm trong dự án này. Hơn 400 nhân viên tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp được tuyển về đây, tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do các chuyên gia hướng dẫn. Tuần Châu là một sự ra mắt đĩnh đạc, một lời chào mời chu đáo, quyến rũ khách du lịch gần xa.
[Chỉ thành viên mới có thể nhìn thấy links. Bạn hãy nhấn vào đây để đăng ký...] .
PHẦN 2
PHONG THỦY KHU VỰC VÀ CHIẾN TRẬN TÂM LINH .
Trong phần này , người viết lần lượt dạo qua từng khi vực từ Bãi cháy - Tp, HẠ LONG và các khu vực khác của Tỉnh Quảng ninh .
1/ BÃI CHÁY :
Từ Hà nội lên Quảng ninh , chúng ta gặp khu du lịch Tuần châu trước khi đến Bãi cháy . Như phần trên đã viết , Đảo du lịch Tuần châu mới được đầu tư khi thác trong những năm gần đây . Trước kia , đây là một hòn đảo nằm cách đất liền gần 2Km . Ngày tước Đảo Tuần châu là một hòn đảo rất thơ mộng với rừng thông xanh mướt che phủ toàn bộ hòn đảo . Nơi đây có những cây thông cổ thụ rất to . Đứng từ trong đất liền , khi thủy triều xuống , ta thấy nhô lên những khối đá ngầm có dạng hình cái bút , nghiên mực , cờ , trống , bảng vàng , quy tụ hầu như đủ cho một Huyệt mạch phát về Văn lên tới chức Tam công . Bây giờ , nếu bạn ra đảo Tuần châu thì rừng thông xưa chỉ còn trong chuyện kể . Những người chủ khai thác làm du lịch , ngu dốt hay vì lợi nhuận đã phá hủy toàn bộ rừng thông trên đảo ,. khiến cho người ta có cảm giác , đảo Tuần châu như một cái đầu trọc , cắt nham nhở . Toàn bộ Đảo Tuần châu bây giờ nếu đứng từ trong đất liền nhìn ra trông như một con quái vật xấu xí , lở lói . Con đường ra Đảo được xây dựng bằng cách đổi đất Đảo lấy đường , mặc dù thuận tiện , nhưng đã phá hỏng thế Phong thủy của Đảo Tuần châu . Nếu ngày xưa , người ta chỉ cần xây một chiếc cầu bê tông to , rộng với dáng vẻ mềm mai thì thật là tốt . Các công trình xây dựng trên đảo , về mặt đầu tư thật tốn kém , nhưng không khỏi hài hước khi nhìn vào bằng con mắt của nhà Phong thủy . Chủ đầu tư là một người có lẽ không được bình thường , nếu xét về góc độ kinh doanh .Một phần tư đảo ( Là giá trị đổi đất khi xây dựng con đường ) được xây dựng vô cùng khôi hài . Tất cả những công trình trên đó đều là tác phẩm bắt chiếc mỗi khi chủ nhân của nó đi du lịch đâu đó . Thậm chí , người ta còn kể rằng , có lần , một cô ca sĩ ra thăm Đảo , hứng chí , cô bèn " Hiến kế " cho Ông chủ rằng , nếu dọc hai bên đường đi mà để những chiếc chum to , trong đó có trồng cây bông giấy thì thật đẹp . Được lời như cởi tấm lòng , ngay trong ngày , Ông chủ lệnh cho người bà con cô ca sĩ , lủ khủ khuân về hàng trăm cái chum có trồng bông giấy , đặt suốt dọc con đường vào khu du lịch của Ông . Ai có về thăm khu du lịch Tuần châu , đi ngang qua những chiếc chum có trồng bông giấy còi cọc , lèo tèo mới thấy hết vẻ hài hước của nó . Trong khu du lịch này , có lẽ tốn kém và mất thời gian nhất với ông chủ là một căn nhà trắng toát mang dáng của của điện Ê ly dơ hay tòa nhà bên sông Pô tô mát ở Mỹ . Chỉ có điều nó lại quá mi ni . Công trình này được xây lên , đập ra , xây lại nhiều lần mà có vẻ chưa được như ý , nên có lẽ còn phải đập đi , xây lại vài lần , tốn hàng tỷ đồng hoang phí . Cách bố cục của khu Du lịch này cũng rất là bất hợp lý . Được một phần Đảo Tuần châu đẹp nhất , ông chủ đã thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược và có lẽ được vài Thày Phong thủy vườn chỉ vẽ , làm ra một khu du lịch tốn kém hàng nghìn Tỷ đồng nhưng không có doanh thu vì không đủ sức thu hút khách Du lịch .Theo đánh giá của giới chuyên môn , hiện doanh thu từ khu Du lịch này không đủ để trả tiền điện và tiền nhân viên chứ hòng gì có lãi . Nguồn đầu tư vào đây , chủ yếu là tiền đi vay nên chi phí về tiền lãi hàng ngày thực khủng khiếp . Nếu không có một chiến lược đầu tư cụ thể và hoàn hảo , người viết tin rằng sẽ lại có một Tăng Minh Phụng thứ hai của Việt nam xuất hiện .
Về mặt Phong thủy , hình tượng đập vào mắt những người lần đần đến Tuần châu là cửa vào có dáng cách điệu một con chim đang bay .
Nhưng , nếu từ trong Đảo nhìn ra , phần chỏm núi trước mặt con chim , giống như cái đầu của nó đã bị san ủi làm nền nhà . Đứng vào lúc hoàng hôn , nhìn con chim không đầu đang bay thật là rùng rợn . Ngay tại khu đấy này , khi san ủi để làm biệt thự , người ta đã phát hiện được rất nhiều hũ tiền cổ của người xưa chôn lại . Theo nhận xét của người viết , khu núi trước mặt cổng vào khu Du lịch tuần châu bây giờ , có một túi nước rất lớn nằm trong bụng núi . Bằng cớ là ngay tại khu vực đang san ủi trên núi , có một nguồn nước chảy ra rất mạnh chảy ra . Ngay tại đây , ngày xưa có một con suối nhỏ trong vắt chẩy suốt đêm ngày .
Tác giả tại cổng khu Di lịch .
MỘT SỐ CẢNH TRÊN KHU DU LỊCH
HÌNH NHỮNG QUẢ NÚI BỊ GỌT ĐẦU ĐỂ LẤY ĐẤT LẤP BIỂN VÀ MẶT BẰNG
Tại khu vực khu 4A - Tổ 11 - Bải cháy có một con đường , uốn lên lượn xuống và ngay sát bên sườn núi . Nơi đây chính là lưng của một nhánh Long ( Chi Long ) đang có dáng từ dưới nước bò lên bờ . Khu vực này có nhiều Khách sạn lớn . Tại khu vực trũng nhất của đường phố , do hai đầu dốc đổ vào chính là Rốn của Long mạch . Long mạch ở đây kết Huyệt cực Âm , nên chỉ phát mạnh mẽ cho Phu nữ . Hầu như các chủ nhà hàng , Khách sạn trong khu vực đường phố này đều là bà Giá ( Chết hoặc ly dị chồng ) hoặc cùng lắm là Bà chủ nắm quyền binh trong nhà .
Tại khu vực một ngọn đồi rất đẹp ( Có lẽ vị trí đẹp nhất khu vực Bãi cháy) có một quả đồi tròn trịa như một trái châu có diện tích khoảng độ gần 4 Ha. Tuy là vị trí đắc địa nhất của bãi cháy , nhưng hiện nay quả đồi này vẫn phải bỏ hoang phế . Lý do : Trước đã có 3 chủ đầu tư nhẩy vào sau quá trình tranh giành quyết liệt . Cả 3 Ông chủ lớn sau khi động thổ khởi công xây dựng tại quả đồi này đều lăn đùng ra chết một cách khó hiểu sau một thời gian rất ngắn . Thời gian sau này , nhiều người cũng hăm he muốn nhẩy vào , nhưng vì sợ chết nên không dám , quả đồi hiện nay vẫn để không trước cặp mắt thèm thuồng của biết bao người . Người viết đã đi khảo sát quả đồi này , thấy Âm khi bốc lên ngút trời . Chắc chắn tại ngọn đồi này có sự Trấn Yểm lâu năm của người Hoa . Đây cũng là mục tiêu tìm hiểu trong chuyến khảo sát của người viết . Mong cao Cao nhân trong Vietlyso hỗ trợ , tìm cách hóa giải theo khả năng của mình .
ĐÂY CHÍNH LÀ HÌNH ẢNH QUẢ ĐỒI MÀ NGƯỜI VIẾT TẠM ĐẶT TÊN LÀ ĐỒI CHẾT TẠI BÃI CHÁY .
( Lạ là khi chụp ảnh bằng máy khá tốt , tất cả gần chục bức hình đều mờ tịt )
Một nhà Phong thủy Đài loan cũng đã từng nói ( Bằng văn bản ) - Đây là Huyệt cực âm , nên nếu đàn bà ra tay thì còn có cơ thành công . Đây là một cuộc chiến thực sự và kết quả là tính mạng của bản thân chứ không phải là vài độ nhậu đâu . Tất cả các Thày Phong thủy Đài loan , Ma cao , Hồng công và vô số thày Tàu , Thày ta đã đã bỏ của chạy lấy người rồi đó . Bản thân , dienbatn về cũng ốm mất cả tuần dù có sự hỗ trợ rất mạnh về nội lực của NNC Nguyễn Quang Phú .
Nhà Ngoại cảm NGUYỄN QUANG PHÚ đang trợ giúp cho dienbatn trong một buổi lễ tại QUẢNG NINH .
Khách sạn này khi khởi công có vô số Thày Tàu đến làm lễ , nhưng khi khoan móng đổ bê tông , tới khi phun bê tông xuống thì bao nhiêu xe bê tông đều bị trôi đi đâu mất cả - Y như là lỗ khoan không có đáy vậy . Phải đến khi mời Thượng tọa THÍCH VIÊN THÀNH ra hóa giải mới xây dựng được .
ĐỀN CÁI LÂN BÃI CHÁY .
Đền Cái lân này mới xây dựng lại sau này vì đền cũ ở phía trước mặt bị giải tỏa làm khu công nghiệp . Khu vực đền cũ ngày xưa rất thiêng . Nghe kể lại , ông chủ khu công nghiệp đó là người nước ngoài . Lúc đầu chỉ có ý định phá đền làm khu công nghiệp , không có ý định xây lại . Mới làm có ít bữa , một đêm , ông nằm chiêm bao thấy có một vị Thần đến mắng rằng : " Nhà ngươi không lo xây lại đền cho ta thì dòng họ nhà người sẽ bị tuyệt diệt " . Kể từ đó vợ con ông này ở nước ngoài đột nhiên phát bệnh thập tử nhất sinh . Ông vội kêu người cho xây dựng lại Đền này như các bạn thấy trên hình . Sau khi xây xong , nhờ Thày làm lễ xin xá tội , gia đình ông ta mới được bình yên .
ĐỀN CỬA ÔNG- THỊ XÃ CẨM PHẢ.
Cùng Kiếp bạc- Hải dương và Yên Tử- Uông bí , Đền Cửa Ông là một trong những di tích nhà Trần hào hùng trong Lịch sử, rất nổi tiếng và linh thiêng ở vùng Đông Bắc - Việt nam.
Hàng năm , cứ vào ngày mùng 2 tháng giêng cho đến hết tháng ba âm lịch , hàng vạn người " Ngựa xe như nước , Áo quần như nêm " đổ về dự hội. Trong tíết Xuân mát mẻ , mưa bụi giăng lất phất , trầm hương thơm ngát , đâu đó mổi lên vài tiếng chuông , tiếng mõ như điểm lại quá khứ hào hùng của dân tộc Việt nam chống giặc ngoại xâm nơi địa đầu đất nước.
dienbatn và ông thủ Đền .
TƯỢNG TRẦN QUỐC TẢNG .
Cửa Ông là một đơn vị hành chính Phường , trực thuộc Thị xã Cẩm phả . Phía Đông giáp Mông dương , Bắc giáp Cẩm Phú và Cẩm thịnh , Phía Tây và Nam giáp vịnh bái Tử Long . Địa hình Cửa Ông bao gồm nhiều thung lũng hẹp , chạy dọc theo Quốc lộ 18 , bị kẹp giữa hai dãy núi cao hơn 100m phía Bắc và Nam. Ngày xưa đây chính là con đường độc đạo đi tới vùng Đông Bắc . Cửa Ông chính là cái yết hầu nối giữa miền đông chập trùng đồi núi và đồng bằng miền Tây của tỉnh Quảng ninh .
Từ ngàn xưa , các cuộc chinh chiến xâm lược và chống xâm lược , giữa Việt nam và quận Tàu đều phải đi qua Cửa Ông . Ngày xưa , nơi đây có một đồn binh của Triều đình Việt nam canh giữ . Phía Tây và Nam của Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long xanh ngăn ngắt , vừa là một phong cảnh Sơn Thủy hữu tình như tranh Thủy mạc , vừa là một cảng biển nước sâu rất thuận lợi cho giao thông đường Thủy . Ngoài xa bờ độ khoảng trên dưới 2Km là một vòng cung các Đảo nhấp nhô , có tác dụng che chắn sóng gió của biển khơi , tạo một chỗ trú tránh bão cho Ngư dân rất thuận tiện .
Ngay từ những ngày đầu Công nguyên , Cửa Ông đã là một đầu mối giao thương nội , ngoại vô cùng sầm uất . Ngày xưa , Cửa Ông có tên gọi là Cửa Suốt . Theo Đại Nam nhất Thống chí : " Cửa Suốt ở cách châu Tiên Yên 48 dặm về phía Tây - Nam . Phía Nam là núi đá . phía Bắc kể từ bãi cát , từ đây đi ngược lên là khe Châu Lâm và bãi cát Cẩm Phả . Trên bãi có đồn , Phía bắc đồn gọi là Vườn Nhãn , ngày xưa nhà lê dùng chỗ này để đày những tù phạm phải tội câu lưu cận châu , cách Tỉnh 2 ngày đường thủy ..."
Con đường thủy từ sông Bạch đằng , luồn qua vịnh hạ long , qua Cửa Suốt , Cửa Đại , Cửa Tiểu ( Tiên Yên ) đến Vạn Ninh ( Móng cái ) luôn lặng sóng , kín gió , trong thư tịch cổ gọi là Đông kênh . Từ Khâm châu ( Quảng Tây - Trung quốc ) đi theo con đường Thủy này vào sông Bạch đằng đầy dãy chiến tích lịch sử chỉ mất có 8 ngày .
Vào tháng 2/1149 , dưới thời LÝ ANH TÔNG , mở thương cảng Vân đồn ( Thuộc quần đảo Vân Hải ngày nay ) dùng để buôn bán , giao thương với ngoại Quốc . Tàu thuyền của các nước như Lô Lạc , Xiêm la , Trảo oa , Trung Quốc , Nhật bản ... vào ra buôn bán tấp nập . vân đồn vào suốt trong lịch sử nhà Lý , Trần , Lê được coi là một trung tâm buôn bán , giao dịch phồn thịnh .
Để có thể kiểm soát và thu thuế các tàu , thuyền ngoại Quốc , đi lại trên Đông kênh ra bến Vân đồn , nhà nước lập ra các trạm Hải quan dọc theo bờ biển , nhất là tại Cửa Suốt . Trạm Hải quan tại Cửa Ông gọi là Đồn Suất Ti Tuần . Cửa biển có đồn Suất Ti Tuần gọi là Cửa xuất ( Trong ý nghĩa xuất - nhập ) , về sau này bị gọi chệch ra là Cửa Suốt .Cửa Ông là một khu vực nằm trong một vùng văn hóa thời Tiền sử rất rạng rỡ . Đó là thời đại Đồ Đá mới mà khoa Lịch sử gọi là NỀN VĂN HÓA HẠ LONG . Các vùng xung quanh Cửa Ông như Tam hợp ( Cẩm phả ) , Ngọc Vừng , Soi Nhụ ( Vân đồn ) ...đã phát hiện được rất nhiều di chỉ Văn hóa hạ long . Dải rác trong một vùng rộng lớn nơi đây , người ta đã phát hiện rất nhiều Tháp đất nung cổ .Tháp đất nung chính là đồ tùy táng đặc trưng cho thời kỳ Phật giáo thịnh trị của triều đại Lý . Trần .
Tuy nhiên , Cửa Ông khiến người ta biết đến nhiều không phải hoàn toàn do những điều đã viết ở trên mà là nơi đây có di tích đền thờ Đức Ông TRẦN QUỐC TẢNG - Còn gọi là HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG TRẦN QUỐC TẢNG - Con trai thứ ba của QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN .
Khởi thủy , đền Đức Ông ngày xưa là một Am thảo cỏ được xây dựng tại Vườn Nhãn ( Nay thuộc phường cẩm phú ) , nơi Trần Quốc tảng qua đời vào năm 1311 . Ngay từ ngày xưa Đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã là một nhu cầu Tâm linh của dân cư trong vùng .
" Miếu Đức Ông là nơi Cửa Suốt .
Khách vãng lai thường mộ cúng dâng . "
Tới cuối thế kỷ 19 , khi mà cảng Cửa Ông được xây dựng , dân cư ngày càng đông đúc , thảo Am nhỏ bé của Hưng Nhượng Vương không đáp ứng nhu cầu Tâm linh của người dân nên đã được chuyển về nơi hiện hữu . Theo các cụ kể lại , người có công di chuyển Đền Cửa Ông về nơi đây là một người đàn bà Việt , có chồng là người Pháp . Người đàn bà này rất có tâm đối với những việc Tâm linh , nên đã bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng Đền . Đền Cửa Ông tọa lạc trên một ngọn núi thấp trông ra vịnh Bái Tử Long, có cảnh quan tuyệt đẹp, thuộc phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long hơn 40 km về phía đông bắc, đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích thắng cảnh.
Đền được xây dựng gồm ba khu vực chính: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần. Đền Hạ thờ Mẫu, khu đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh và chùa. Đền chính lúc đầu thờ Hoàng Cầu, người anh hùng của địa phương, sau thờ Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng cửa Suốt và cũng là con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo.
Kiến trúc đền chính theo kiểu chữ “công” (I) gồm ba gian tiền đường, hai gian ống muống và ba gian hậu cung. Đây là đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay. Với 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao. Đó là tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo), hai công chúa (con gái Trần Hưng Đạo), Trần Quốc Tảng, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Lê Phu Trần, Đỗ Khắc Chung... và một số câu đối, đồ thờ tự khác.
Từ lâu, đền Cửa Ông đã nổi tiếng linh thiêng không chỉ đối với nhân dân Quảng Ninh, mà nhân dân các tỉnh trong nước cũng tìm đến dâng hương, trẩy hội. Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ ngày 2 tháng 1 âm lịch và kéo dài đến hết xuân. Trải qua nhiều lần tu bổ , nhất là vào năm 1994 . Đền Cửa Ông đã trở thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh , khang trang và đã được Nhà nước công nhận là một di tích Văn hóa - Lịch sử .
TỪ CỬA ĐỀN NHÌN XUỐNG VỊNH BÁI TỬ LONG .
HỆ THỐNG TƯỢNG THỜ TRONG ĐỀN
Tại những vùng biên cương của Tổ quốc , từ xưa cho đến nay , các Vương triều nước ta , luôn cắt cử những vị Tướng tài ra trấn giữ . Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi rực rỡ lần thứ hai ( 1285 ) , Vua TRẦN NHÂN TÔNG và HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN càng nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo ĐÔNG BẮC . Đó cũng là lý do TRẦN QUỐC TẢNG , một vị tướng tài và là con thứ ba của QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN được cử ra trấn giữ vùng biên cương này .
Năm Trùng hưng thứ nhất ( 1285 ) , quân Nguyên Mông xâm lược Đất nước ta lần thứ hai . Được tin đại quân do TRẦN HƯNG ĐẠO không chống cự nổi trước thế mạnh như chẻ tre của giặc , phải rút về Vạn kiếp , TRẦN QUỐC TẢNG liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh ( Đông triều ) , cùng các cánh quân Hải Đông , Vân Trà , Bà Điểm hội binh , xin làm tiên phong đánh giặc . Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi , TRẦN QUỐC TẢNG , là dũng tướng có công nên được nhà Vua khen tặng cấp cho đất lập trang ấp tại Tĩnh bang ( Quảng ninh ) . Sau này , ông hai lần được Vua cắt cử ra Cửa Suốt trấn ải .
Và như vậy , vị Thần chủ chốt được thờ tại Đền Cửa Ông chính là TRẦN QUỐC TẢNG một vị tướng tài và là con thứ ba của QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN.
Câu đối treo cạnh một pho tượng lớn tạc một vị quan võ mặc áo hồng bào , vạt trước có đính Hổ phù chính là TRẦN QUỐC TẢNG như sau :
Bạch đằng hộ chiến công , lương tướng uy danh kinh Bắc địa .
Hải Đông lưu linh tích , anh hùng tâm sự đối Nam Thiên .
Tạm dịch :
Giúp chiến thắng Bạch đằng , tướng giỏi uy danh lừng đất bắc .
Để dấu thiêng Đông hải . anh hùng tâm sự giải Trời Nam .
Câu đối trên cũng nói lên nỗi lòng u uẩn của TRẦN QUỐC TẢNG , ngay cả sau khi chết , nó biểu hiện một nỗi lòng , một tâm trạng u uất không thể dãi bày cùng ai , chỉ có thể tâm sự cùng Trời Nam của Ông . Đọc trong Sử , ta thấy TRẦN QUỐC TẢNG bị cho là bị đày ra Tĩnh bang vì tội bất trung , bất hiếu . Nguyên chỉ vì câu nói buột mồm khi đang họp , muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần - " Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước " . Cái oan muốn nói ra nhưng không nói được , chỉ Trời xanh thăm thẳm kia mới hiểu được nỗi lòng của Ông . Trong cuốn " TRẦN TRIỀU HIỂN THÁNH CHÍNH KINH TẬP BIÊN " , in năm Thành thái ( 1900 ) có chép như sau : " Quốc Tuấn công cho rằng , con trai tính ưa cương dũng ấy ( Tức TRẦN QUỐC TẢNG ) , không theo đúng đạo làm con , bèn nổi giận lôi đình , đày ra cửa bể Suất Ti Tuần thuộc phủ Hải ninh , lộ An bang " .
Thực ra hành động của HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN đối với TRẦN QUỐC TẢNG , bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ Hoàng tộc lục đục , bất hòa . Điển hình là TRẦN LIỄU ( Cha của TRẦN QUỐC TUẤN , ông nội TRẦN QUỐC TẢNG ) mâu thuẫn với Thái sư TRẦN THỦ ĐỘ và Vua TRẦN THÁI TÔNG . Trong cuốn TRẦN TRIỀU THẾ PHẢ HÀNH TRẠNG đã chép việc đó , mà người phải hứng chịu chính là TRẦN QUỐC TẢNG như sau :
" Khi An Sinh Vương ( TRẦN LIỄU ) , sắp mất , cầm tay QUỐC TUẤN và trăn trối rằng : Mày mà không vì cha lấy được Thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt - Ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị TRẦN THỦ ĐỘ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy TRẦN CẢNH , tức Vua TRẦN THÁI TÔNG , em ruột của TRẦN LIỄU . TRẦN LIỄU phẫn uất , chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cái , chống lại TRẦN THỦ ĐỘ , nhưng thất bại bị lột hết áo mũ . Quốc Tuấn để bụng , nhưng không bao giờ cho thế là phải ".
Đến khi trở thành QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ , Tổng chỉ huy quân đội , nắm quyền tối cao , Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước , hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như : YẾT KIÊU , DÃ TƯỢNG, và con trai là HƯNG VŨ VƯƠNG . Cả ba người đều ngăn cản , khiến Quốc Tuấn rất mát lòng . Một hôm , Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG TRẦN QUỐC TẢNG , ông bèn nói : Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng đượv Thiên hạ . Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gương kể tội TRẦN QUỐC TẢNG : Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu , ý muốn giết QUỐC TẢNG . HƯNG VŨ VƯƠNG nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho QUỐC TẢNG , lúc đó QUỐC TUẤN mới tha cho và bảo rằng : Sau khi ta chết , đậy nắp quan tài rồi mới cho QUỐC TẢNG vào .
Sau khi HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG ra trấn giữ cửa Suốt , năm Trùng Hưng thứ tư ( 1288 ) quân Nguyên lại kéo quân sang xâm lược . HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG xin Triều đình lập công chuộc tội . Được chuẩn tấu , HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG tiến quân , lập đồn ở Trắc châu , Huyện Thanh lâm . Trải qua ba ngày đêm , ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông bạch đằng và chiến thắng oanh liệt . Từ đó ông được cử làm Suất Ti Tuần Đại an , trấn giữ cửa bể Cửa suốt .
ĐỀN THỜ MẪU .
Như vậy , chúng ta để ý rằng , lần đầu bị tội mà TRẦN QUỐC TẢNG bị cha đày ra Cửa Suốt . Lần thứ 2 , nhờ lập được công lớn , TRẦN QUỐC TẢNG lại được Vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ . Hai lần trấn nhậm Cửa Suốt với hai tư thế , hai thể thức khác nhau , nhưng thực chất chỉ là một trọng trách giữ gìn một nơi quan ải Đông Bắc . Trong thời kỳ bình công , khen thưởng cuối năm 1288 , TRẦN QUỐC TẢNG được sắc phong là Tiết độ Sứ . Từ 1288 đến khi qua đời , phần lớn thời gian TRẦN QUỐC TẢNG giành cho việc trấn giữ vùng Đông Bắc này của Tổ Quốc . Do những công lao to lớn mà Vua TRẦN ANH TÔNG ( Đồng thời cũng là con rể của TRẦN QUỐC TẢNG ) , phong tước hiệu HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG .
Sách sử ghi lại những ngày cuối đời của TRẦN QUỐC TẢNG ở Cửa Suốt như sau :
" Ông ra Cửa Suốt được ba ngày , tự nhiên Trời mưa to , gió lớn , sấm sét nổ ầm ầm . Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên . Ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn , nước dâng lên rất cao . Phiến đá tự nổi trên mặt nước , HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG hóa thân ở đó , vào ngày 16/8/1311 . Một lúc sau mưa tịnh , gió lặng , dân chúng kéo đến xem , thấy trên phiến đá có một cái mũ đá , mũ đá trôi đi . Ngày 1/9 năm ấy , mũ đá trôi đến địa giới Hàm giang , rồi đến bờ sông xã Trúc Châu ( Tên tục là Vườn Nhãn ) . Già trẻ , lớn , bé trong xã đang đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai , áo mũ chỉnh tề , đứng ở Đình làng bảo rằng : " Ta là Gia Tướng nhà Trần , nay số đã hết , lại trở về đóng nơi đồn cũ giữ yên dân , nước " . Hôm sau dân chúng ra Đình xem , thấy một tảng đá và một mũ đá bên bờ sông . Đo phiến đá được 5 thước 4 tấc ,ngang 2 thuớc 3 tấc , có 5 màu huyền ảo như mây . Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên Vua . Vua thấy TRẦN QUỐC TẢNG là người có công , lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong cho làm Thượng đẳng Phúc Thần , cho 800 quan tiền công hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc Nhà nước . "
Năm 1314 , đúng một năm sau TRẦN MINH TÔNG lên ngôi , , đã truy tặng TRẦN QUỐC TẢNG chức Thái úy .
Nhân dân truyền tụng ca ngợi TRẦN QUỐC TẢNG như sau :
Đời Trần thị mở mang Nam Hải ,
Đức Đệ Tam dòng dõi kim chi ,
Mấy phen giáp mã truy chùy ,
Đã bình Phạm đảng lại đi phạt Sầm .
Phong Đại Vương an tâm thần chức
Lại đem câu yến dực ra bàn .
Nghĩa rằng đạo hiếu chu toàn .
Nào ngờ phải bước tiếng oan ở Đời .
Dạ gang tấc khổ bày khúc trực
Để thanh Thiên vằng vặc sáng soi .
Mấy năm tính kế cùng ai .
Đành rằng đem xuống Tuyền đài cho cam .
( Viết theo THẦN ĐỀN CỬA ÔNG - THI SẢNH ) .
Thân ái. dienbatn.
QUẢNG NINH - PHONG THỦY VÀ CHIẾN TRẬN TÂM LINH.
Bạn đang xem tại Blog Trần Tứ Liêm. Đừng quên Chia Sẻ nếu bài viết có ích! Mời xem dự án của tôi:
Đánh Vần Tiếng Việt - Từ điển Hán Việt - Từ điển Ê Đê - Từ điển NNKH - Từ điển Tiếng Việt